Chuyển giao kỹ thuật xóa tử vong băng huyết sau sinh

Việc chuyển giao kỹ thuật mới từ tuyến TƯ xuống tuyến tỉnh, huyện, xã và việc xây dựng BV vệ tinh trong đề án 1816 không chỉ giúp giảm quá tải, nâng cao chất lượng điều trị, giảm tri phí điều trị và đặc biệt cứu sống được rất nhiều ca bệnh.

Làm chủ kỹ thuật, giảm tử vong

ThS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngày 26/5/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng bệnh”. Mục tiêu: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của BV tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các BV tuyến trên, đặc biệt là các BV tuyến TƯ.

Đề án đã tập trung vào 10 chuyên khoa quá tải: Nội tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi, ung bướu, nội tiết, huyết học truyền máu, hồi sức cấp cứu, …,và đã chuyên giao hàng nghìn kỹ thuật xuống tuyến dưới. Đặc biệt, hiện đã có 22 BV hạt nhân bao gồm 14 BV tuyến TW, 8 BV thuộc SYT TPHCM và SYT Hà Nội tham gia phát triển BV vệ tinh. Có 117 BV trong đó có 98  BV tỉnh, 15 BV huyện, 4 BV tư nhân thực hiện BV vệ tinh.

Các BV thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin và kết nối giữa BV hạt nhân với BV vệ tinh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Đề án. Đảm bảo 100% các BV vệ tinh thường xuyên kết nối đào tạo, hội thảo, tư vấn khám bệnh, hội chẩn từ xa. Hiện đã có 02 hệ thống tại BV Việt Đức và Bv Bạch Mai hoạt động. Đặc biệt, các BV hạt nhân sẽ đào tạo, chuyển giao hơn 1000 kỹ thuật, gói kỹ thuật, tập trung các kỹ thuật cao, chuyên sâu thuộc danh mục của tuyến TƯ như: mổ tim hở, phẫu thuật u não, thay khớp gối,…xuống tuyến dưới.

Ca chuyển giao kỹ thuật Nội soi BV đa khoa Quảng Nam xuống BV huyện Phù Ninh

ThS Bùi Quốc Vương, chuyên viên phòng chỉ đạo tuyến, Cục Quản lý khám chữa bệnh chia sẻ, nhờ kỹ thuật cao và các bác sĩ được đào tạo, trang thiết bị được đầu tư, tay nghề các cán bộ y tế tuyến dưới được nâng cao, thực hiện được những kỹ thuật cao chuyên sâu trước đây chưa từng làm. Chẳng hạn, BV Đa khoa thanh Hóa đã mổ được tim hở; Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đặt stent tim can thiệp mạch vành tốt như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Việt Tiệp Hải Phòng, Lâm đồng….; BV Đa khoa Quảng Nam phẫu thuật ngoại khoa tốt; Ngoại khoa nội soi đã được phổ cập ở tuyến tỉnh và đang chuyển giao xuống tuyến huyện…

Điều này giúp ích rất nhiều cho BN. BN không phải chuyển tuyến mà điều trị ngay tại địa phương, tiết kiệm được tiền bạc, công sức và đặc biệt bảo vệ được tính mạng của mình. Bởi đi là tốt kém, đi là mất thời gian, đi là nguy hiểm tính mạng …Nhiều tỉnh xóa bỏ toàn bộ sản phụ tử vong băng huyết sau đẻ như Hải Phòng. Theo đó, BN khi đẻ ở trạm xá hay cô đỡ thôn bản bị băng huyết được đưa ngay đến cơ sở khám chữa bệnh có gây mê nội khí quản và ngoại khoa. BN được đưa ngay vào phòng mổ để chẹn động mạch cầm máu và mời bác sĩ BV tuyến trên về giải quyết vấn đề sản khoa. Không có chuyện chuyển BN lên tuyến trên giữa được chảy hết máu và tử vong.

Liên thông chăm sóc sức khỏe người dân tận nhà

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh cho biết, chủ trương thực hiện Đề án 1816 phối hợp với Đề án bệnh viện vệ tinh, nâng cao năng lực cho tuyến dưới vẫn là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm quá tải BV. Việc đẩy mạnh BV tuyến TƯ giúp tuyến tỉnh, tỉnh giúp huyện và huyện giúp xã và việc liên thông bác sĩ ở tuyến xã và tuyến huyện là bước chuyển khá quan trọng và tích cực giúp người dân được khám chữa bệnh kỹ thuật cao ngay tại nơi sinh sống.

Đặc biệt, tiến tới đưa việc quản lý, điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm (tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường rồi một số bệnh giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ của ung thư…) về trạm y tế xã gắn với mô hình quản lý sức khỏe toàn dân, chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý của y học gia đình, tức là các tiền sử bệnh tật của người dân ngay từ khi bắt đầu lọt lòng mẹ được quan tâm, chăm sóc.

Thúy Nga

Theo Đời sống
back to top