Cổ vũ U23 Việt Nam khiến nhiều người có thể bị khản, mất giọng. Ảnh: Tùng Lê.
Sau khi cổ vũ, hò hét cổ vũ U23 Việt Nam, rất nhiều người khó tránh khỏi tình trạng bị đau họng, mất tiếng. TS Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, khi la hét, các dây âm thanh sẽ căng ra gây đau họng và khản tiếng. Để giảm nhanh các triệu chứng này, trong y học cổ truyền sẽ dùng mật ong để “xoa dịu”.
Đây là phương pháp dân gian từ xa xưa. Mật ong nguyên chất có vị ngọt dịu, chứa nhiều khoáng chất, axit amin và được xem như một loại kháng sinh tự nhiên, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại kích thích từ các tác nhân xấu với sức khoẻ. Từ đó mật ong sẽ giúp khắc phục các triệu chứng của viêm, đau họng như: đau rát cổ họng, ho khan, ho có đờm, khản tiếng…
Theo TS Phùng Tuấn Giang, cách tốt nhất là kết hợp mật ong với các thực vật khác và súc miệng bằng nước muối sinh lý để giúp sát khuẩn, chống nhiễm trùng, giảm ngứa cổ họng.
Tuy nhiên, trước khi dùng mật ong cần hấp lên để tránh nhiễm khuẩn. Khi mua mật ong cũng nên chọn lựa kỹ vì mật ong rừng lấy vào mùa thu có thể lẫn một một số loại hoa có độc.
Mật ong tốt nhất là lấy vào mùa hè với hoa nhãn, hoa bạc hà và đặc biệt tốt là mật ong hoa sâm Ngọc Linh.
Mật ong – chanh: Chanh có chứa hàm lượng vitamin C lớn, nhiều chất chống oxy hoá có tác dụng thanh nhiệt. Kết hợp chanh – mật ong có thể giúp tiêu đờm, dịu cổ họng.
Có thể pha nước chanh tươi với mật ong theo tỷ lệ 2:1 (người lớn) và (1:1) với trẻ em, uống ngày 2 – 4 lần.
Hoặc cũng có thể hấp mật ong và quất, pha mật ong với trà chanh cũng sẽ giúp hỗ trợ điều trị viêm họng hiệu quả.
Mật ong – tỏi sống: Đây là 2 loại kháng sinh tự nhiên rất tốt, khi kết hợp cùng với nhau sẽ làm tăng hiệu quả lên bội phần. Cách dùng đơn giản là cắt tỏi thành lát rồi ngậm chung với mật ong.
Mật ong – gừng: Đặc trưng của gừng là ấm nóng và có tính kháng khuẩn mạnh nên kết hợp với mật ong có thể chữa viêm họng hiệu quả. Có thể pha nước gừng với mật ong để uống hoặc thái gừng thành lát rồi ngậm chung với mật ong.
Người dân cũng có thể ngậm ô mai với mật ong, ngậm chanh muối, dùng lá hẹ hấp đường phèn, ngậm quả kha tử, nuốt từ từ cho đến khi hết chất chát.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số “đơn thuốc” sau đây.
1. Thuốc ngậm, súc họng
– Bài 1: Sinh địa 50g, huyền sâm 50g, cam thảo 10g. Sắc với 600ml nước trong 30 phút, sắc làm 3 lần như vậy, trộn chung nước sắc 3 lần lại, cho vào chai sạch, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Dùng để ngậm, súc họng ngày 2 – 3 lần, có tác dụng giảm đau rát.
– Bài 2: Kim ngân hoa 25g, liên liều 25g, kinh giới 15h, ngưu bàng tử 25g, cam thảo 10g. Sắc với 600ml nước trong 30 phút, sắc làm 3 lần như vậy, trộn chung nước sắc 3 lần lại, cho vào chai sạch, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Dùng để ngậm, súc họng ngày 2 – 3 lần, có tác dụng chống viêm, giảm đau họng, rát họng.
2. Thuốc sắc
– Bài 1: Kim ngân 12g, liên kiều 12g, bạc hà 8g, hạnh nhân 12g, cát cánh 12g, lô căn 12g, ngưu bàng tử 12g, ma hoàng 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
– Bài 2: Húng chanh tươi 30g, đem phơi sương 1 đêm. Sau đó giã vắt lấy nước uống ngày 1 lần hoặc dùng húng chanh kết hợp với tía tô, phơi khô trong bóng râm, sau đó đem phơi sương 1 đêm; sắc mỗi vị 12g uống ngày 1 thang.
3. Món ăn bài thuốc
– Củ cải trắng 300g, gừng tươi 5g, hành tươi (phần củ trắng), gia vị. Nấu thành canh, ăn nóng, ngày 1 lần.
– Rau hẹ 200g, gừng tươi 5g, trứng gà 1 quả. Nấu thành canh, ăn nóng, ngày 1 lần.
Mai Nguyễn (tổng hợp)