Chuyển cơ trán điều trị sụp mi  bẩm sinh ở trẻ

(khoahocdoisong.vn) - Sụp mi bẩm sinh nặng ở trẻ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển thể chất và tinh thần. Phẫu thuật tạo hình sớm có hiệu quả phục hồi được cấu trúc giải phẫu, chức năng và đảm bảo yếu tố thẩm mỹ.

Bé Nguyễn Văn Q.  3 tuổi (Hà Nội) đến khám vì sụp mi mắt trái từ khi sinh, hiện tại bé chủ yếu nhìn bằng mắt phải. Kết quả thăm khám phát hiện khoảng cách từ rìa đồng tử đến bờ mi trên là 0mm, chức năng cơ nâng mi mắt trái có biên độ vận động kém, mắt đã bị nhược thị.

Bé Q. được chỉ định phẫu thuật tạo hình chuyển cơ trán để điều trị. Sau 4 tháng điều trị, vị trí mi mắt đã được cải thiện và bờ mi nằm phía trên trục thị giác. Sau khi điều trị tập nhược thị mắt trái, mắt cháu đã được trả lại đúng chức năng và thẩm mỹ.

ThS.BS Đặng Hoàng Thơm, khoa Sọ mặt và Tạo hình, bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, sụp mi là sự sa của mi trên xuống thấp hơn vị trí bình thường ở tư thế nhìn thẳng. Mi có thể bị sụp với các mức độ khác nhau, ở 1 bên hoặc cả 2 bên. Chẩn đoán sụp mi khi khoảng cách bờ tự do mi trên tới rìa giác mạc > 2mm, do các bệnh lý của nhóm cơ nâng mi.

Bình thường ở trẻ em chức năng nâng cơ mi trên bình thường khoảng cách (d) từ bờ tự do mi trên đến rìa đồng tử khoảng 1mm (che phủ đồng tử 1mm). Tùy theo vị trí của bờ tự do mi trên so với rìa đồng từ hai khoảng che phủ đồng tử mà chia ra thành 3 mức độ: Độ nhẹ khoảng cách d = 1-2 mm;  Độ vừa d=3 - 4mm (khoảng che phủ 3-4mm) và độ nặng khoảng cách d>4 mm (mức độ che phủ lớn hơn 1/2 đồng tử), đây là mức độ sụt mi nghiêm trọng cần thiết phải can thiệp sớm tránh các nguy cơ có thể xảy ra do thay đổi tư thế biến dạng cột sống cổ, ảnh hưởng thị lực...

Bệnh nhân sụp mi ở các độ khác nhau luôn có sự thay đổi tư thế nhìn: Đầu ngửa, cau mày, nhăn trán, nhún vai ... Do góc nhìn bị cản trở bởi tình trạng sụp mi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cột sống cổ và gây ra tình trạng cận thị, loạn thị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

 Không cần phải sử dụng vật liệu ghép tự thân hoặc nhân tạo

ThS.BS Đặng Hoàng Thơm nhấn mạnh, hiện nay xu hướng can thiệp phẫu thuật sớm và điều trị sụp mi bẩm sinh ở trẻ em với nhiều phương pháp khác nhau. Kỹ thuật chuyển cơ trán dưới dạng vạt trượt mang lại kết quả tốt về mặt chức năng và thẩm mỹ cao. Sau phẫu thuật, vận động mi gần như bình thường, không bị xơ cứng hay bị ảnh hưởng giác mạc như các kỹ thuật khác. Nhược điểm của kỹ thuật là phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao.

Khi phẫu thuật bệnh nhi được gây mê toàn thân, các bác sĩ rạch ra cắt bỏ một phần da thừa mi  trên, qua da - cơ vòng mi bộc lộ mặt trước trên sụn mi. Bóc tách tạo đường hầm dưới da đến bờ trên trần ổ mắt- xương trán. Rạch da bờ trên cung mày 1,5 cm bộc lộ cơ trán, phẫu tích cơ trán lấy một vạt cơ với chiều rộng 1,2 -1,5 cm, cuống vạt đủ dài. Kéo trượt vạt cơ trán qua đường hầm, cố định vào bờ trước trên trục mi vào 5 điểm và khâu tạo hình nếp mi. Thời gian phẫu thuật một bên khoảng 45- 50 phút. Bệnh nhân nằm viện 2 – 3 ngày là ra viện.

Kết quả phẫu thuật cho 21 trẻ với 26 mắt sụp mi nặng cho thấy, tốt 25/26 mắt (chiếm 96,6%), không có biến chứng nghiêm trọng, tình trạng sụp mi mắt đã được sửa chữa, đạt yêu cầu cả về thẩm mỹ và chức năng (với nếp gấp mi  tự nhiên và thẩm mỹ, với vị trí và độ cong nếp mi mềm mại, phù hợp và cân đối giữa hai bên hoặc với bên lành).

ThS.BS Đặng Hoàng Thơm khuyên, đối với các trường hợp sụp mi vừa và nặng, cần thiết phải có phẫu thuật nhằm điều chỉnh tình trạng sụp mi. Nên tiến hành can thiệp sớm tức là bắt đầu từ 2 tuổi vì can thiệp sớm giúp phục hồi được chức năng, đặc điểm giải phẫu thẩm mỹ được tái lập và tránh được nguy cơ hỏng mắt, biến dạng cột sống cổ, ảnh hưởng thể chất, tinh thần.

Thúy Nga

Theo Đời sống
back to top