Cô Diệp, một phụ nữ 28 tuổi ở Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) vì trời quá lạnh nên đã dùng túi chườm nóng, chườm vào mu bàn chân sau đó đi boots dài, đi bộ tới công ty cho ấm.
Mới đầu, cô Diệp vô cùng vui vẻ vì nghĩ rằng làm như vậy sẽ ấm chân cả đoạn đường, không còn bị buốt chân nữa. Nào ngờ, chỉ mới đi bộ được 10 phút, cô Diệp cảm thấy bàn chân nhức nhối, cực kỳ khó chịu. Đi khám thì bác sĩ xác nhận bị bỏng, nổi mụn nước, nếu không điều trị sẽ bị viêm nhiễm, rất nguy hiểm.
Ảnh minh hoạ.
Bác sĩ da liễu Triệu Chiêu Minh giải thích rằng do da ở mu bàn chân mỏng và nhạy cảm, túi chườm nóng tiếp xúc trực tiếp với da trong môi trường boots dài rất kín. Khi bước đi, túi chườm nóng sẽ tạo thêm nhiệt độ do ma sát, gây cảm giác nóng rát. Khi nhiệt độ không gian trong giày tăng lên đến một thời điểm, sẽ khiến da bị bỏng rộp, rất đau đớn.
Theo bác sĩ Triệu Chiêu Minh, mỗi khi thời tiết trở lạnh, khoa da liễu điều trị cho rất nhiều trường hợp bỏng túi chườm nóng, phổ biến nhất là bỏng bụng, bỏng gáy, vấn đề thường gặp là chúng được sử dụng trực tiếp trên da. Bác sĩ cũng cảnh báo, ngay cả khi sử dụng túi chườm nóng hay dạng miếng dán giữ nhiệt, tốt nhất không để tiếp xúc trực tiếp với da, đặc biệt là với những người có làn da nhạy cảm, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, người già, v.v., vì họ dễ dàng cảm thấy nóng, nhiều khả năng bị bỏng.
Bác sĩ Triệu Chiêu Minh cũng nhấn mạnh, không nên sử dụng túi chườm nóng và miếng dán nhiệt quá lâu, tránh sử dụng qua đêm. Thành phần và nhiệt độ của các gói chườm nóng trên thị trường khác nhau, hãy nhớ đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và dán vào các bộ phận thích hợp theo hướng dẫn để tránh bị bỏng.