Hỏi: Bố tôi bị ung thư, vừa phải cắt bỏ tuyến giáp, hiện bố tôi đang uống hormon tuyến giáp thay thế. Bố tôi nói cơ thể hoàn toàn bình thường nên rất chủ quan. Tôi sợ cụ bỏ thuốc, nếu chẳng may bỏ thuốc có ảnh hưởng gì không?
Trần Ơn (Quận 7, TP. HCM)
Ths.BS Mai Văn Sâm, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, tuyến giáp sản xuất ra các hormon T3 và T4 có vai trò rất quan trong đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Hormon tuyến giáp tham gia vào hầu hết các quá trình chuyển hóa và quá trình tăng trưởng, phát triển của cơ thể, tăng cường trao đổi chất.
Hormon tuyến giáp làm tăng quá trình trao đổi chất ở các loại mô, tế bào trong cơ thể, làm tăng tổng hợp protein, tăng vận chuyển ion qua màng tế bào, tác động đến các hệ thống enzyme trong tế bào. Hormon tuyến giáp ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Các hormon tuyến giáp tác động tới quá trình chuyển hóa của glucid, lipid và protid, ảnh hưởng tới trao đổi vitamin, tốc độ trao đổi chất, ảnh hưởng tới một loạt các hệ thống cơ quan như tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng tới chức năng sinh dục, chức năng cơ…
Hormon tuyến giáp không thể thiếu đối với hoạt động bình thường của cơ thể. Nếu toàn bộ tuyến giáp bị cắt người bệnh sẽ phải uống hormon tuyến giáp suốt đời vì tuyến giáp lúc này không còn mô giáp để sản xuất hormon giáp nữa.
Người bệnh sau khi cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp lúc đầu sẽ thấy cơ thể bình thường, dễ xuất hiện tâm lý chủ quan, tuy nhiên cần tuân thủ lịch khám của bác sĩ, nếu bỏ thuốc sẽ dẫn tới suy giáp, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chậm chạp, buồn ngủ, trí nhớ kém…ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt.
PV ghi