Chờ lời hứa của Bộ trưởng cứu "dòng sông chết"

(khoahocdoisong.vn) - Từng là một dòng sông đi vào thi ca, nước xanh nhiều cá, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người, nhưng giờ đây sông Đáy và sông Nhuệ chính thức thành “dòng sông chết”.

Là người đầu tiên chất vấn trong phiên họp Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vào ngày 30/10/2018, đại biểu Trần Tất Thế (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) đặt câu hỏi chất vấn về tình trạng ô nhiễm sông Đáy và sông Nhuệ. Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời hứa sẽ giải quyết và sau 5 năm sẽ trả lại sự trong xanh cho 2 dòng sông này.

Kênh A48 tại huyện Duy Tiên (Hà Nam) nổi trắng bọt khi bơm nước phục vụ tưới tiêu.

Kênh A48 tại huyện Duy Tiên (Hà Nam) nổi trắng bọt khi bơm nước phục vụ tưới tiêu.

Các chỉ số vượt ngưỡng

Chưa tới 3 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời chất vấn, thì vừa qua Sở TN&MT tỉnh Hà Nam ra thông báo đợt 1/2019 về tình hình ô nhiễm nước sông Nhuệ, sông Đáy.

Theo đó, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam khẳng định nước thải từ Hà Nội đang đổ về sông Nhuệ, sông Đáy. Nước tại cống Nhật Tựu, cống Ba Đa – sông Nhuệ có màu đen, mùi thối. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở TN&MT Hà Nam đã lấy và phân tích mẫu nước tại các vị trí trên, nồng độ các chất ô nhiễm.

Tại Cống Nhật Tựu: Nồng độ Amoni là 12,42 mg/L-N, vượt 41,41 lần; ôxy hoà tan là 1,57 mg/L, nhỏ hơn 3,18 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2  (nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp).

Tại Cống Ba Đa: Nồng độ Amoni là 10,46 mg/L-N, vượt 34,87 lần; ôxy hoà tan là 2,81 mg/L, nhỏ hơn 1,77 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2 (nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp).

Nước sông đã bị ô nhiễm báo động cấp 2 theo quy định bảo vệ môi trường của UBND tỉnh. Theo thông báo của Trạm Quản lý công trình Nhật Tựu thì cống Nhật Tựu tiếp tục mở trong thời gian tới. Do đó nước sông Nhuệ, sông Đáy sẽ tiếp tục bị ô nhiễm. 

Sông Đáy và sông Nhuệ thành “dòng sông chết” với nước đen, rác và mùi hôi thối.

Sông Đáy và sông Nhuệ thành “dòng sông chết” với nước đen, rác và mùi hôi thối.

Nước sông như nước cống

Theo ghi nhận của PV báo KH&ĐS, không chỉ đoạn qua tỉnh Hà Nam mà những tỉnh, thành có dòng sông Đáy chảy qua cũng ô nhiễm vượt mức báo động. Hơn chục năm trở lại đây, nước sông Đáy và sông Nhuệ từ chỗ xanh trong đã chuyển sang mầu đen đặc như nước cống cùng mùi xú uế khiến cuộc sống người dân hai bên bờ bị ảnh hưởng nặng nề.

Từ nhiều năm nay, người dân sống ở các khu vực gần sông Đáy, đặc biệt là là một số xã thuộc địa phận huyện Hoài Đức, Quốc Oai, thường xuyên phải gánh chịu sự ô nhiễm nguồn nước trầm trọng của con sông này.

Một con mương nước đen ngòm xả ở làng nghề Dương Liễu (Hoài Đức) xả thẳng ra sông Đáy.

Một con mương nước đen ngòm xả ở làng nghề Dương Liễu (Hoài Đức) xả thẳng ra sông Đáy.

Dòng sông Đáy và sông Nhuệ từng là nguồn nước sinh hoạt của biết bao gia đình thì hiện giờ lại thành nơi tập hợp của xác động vật, túi nilon, rác thải, nước thải khu công nghiệp, cống thải nước sinh hoạt... khiến nước sông đen ngòm, hôi thối. Có lẽ, hiếm loài thủy sinh nào có thể tồn tại trong môi trường nước ô nhiễm này.

Cuối quận Hà Đông giáp huyện Chương Mỹ, đoạn từ cầu Mai Lĩnh xuôi về huyện Ứng Hòa, do ảnh hưởng của chất thải công nghiệp từ các làng nghề chế biến nông sản nên đoạn sông này vào các tháng mùa khô càng trầm trọng hơn. Môi trường sinh thái bị đe dọa khiến cá, tôm chết hàng loạt. Người dân cũng không còn đánh bắt cá về ăn hay sử dụng nước sông cho sinh hoạt.

Sông Đáy khoảng hơn 10 năm trước chưa bị ô nhiễm và người dân vẫn mưu sinh bằng nghề chài lưới.

Sông Đáy khoảng hơn 10 năm trước chưa bị ô nhiễm và người dân vẫn mưu sinh bằng nghề chài lưới.

Vì sao “sông chết”?

Theo tìm hiểu, tại “Đề án Tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy địa bàn huyện Thanh Liêm - Hà Nam” do Phòng TN&MT huyện Thanh Liêm cung cấp, thì vấn đề ô nhiễm nguồn nước của sông Đáy bắt nguồn từ một số nguyên nhân.

Diện tích mỏ khai thác đá sau khi đã bị phá vỡ làm mất lớp thảm thực vật bề mặt, gặp mưa làm xói mòn, chảy tràn. Một số doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lí nước thải công nghiệp mà xả trực tiếp ra ngoài môi trường gây ô nhiễm.

Một số doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn chưa đảm bảo theo yêu. Trong khi đó, chính các nhà máy xử lý rác thải lại là một trong những thủ phạm nguy hiểm gây ô nhiễm. Đơn cử như nhà máy xử lý rác không có trạm xử lý nước, bãi rác thiết kế không hợp vệ sinh, lượng rác thải tồn đọng quá lớn. Vì vậy, hàng ngày nước rỉ rác ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt.

Nguồn nước mặt sông Đáy, sông Nhuệ ô nhiễm nặng nề, một phần do nước thải từ Hà Nội đổ về, một phần do hoạt động sản xuất, kinh doanh nội tỉnh xả thải trực tiếp ra sông.

Chính những nguyên nhân đó đã âm thầm “giết chết” hai dòng sông quan trọng của bốn tỉnh thành là Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Từ đầu nguồn tới cuối nguồn, đâu đâu cũng thấy rác, xả thải và mùi hôi thối.

Trước đây người dân Phù Vân (Phủ Lý – Hà Nam) bỏ nghề bán máu theo nghề chài lưới; giờ họ lại quay lại nghề bán máu vì sông quá ô nhiễm.

Trước đây người dân Phù Vân (Phủ Lý – Hà Nam) bỏ nghề bán máu theo nghề chài lưới; giờ họ lại quay lại nghề bán máu vì sông quá ô nhiễm.

Và, nếu như trước đây người dân làng chài ở xã Phù Vân (Phủ Lý – Hà Nam) có thể theo nghề chài lưới, thì giờ đây họ lại phải đi bán máu kiếm tiền thay vì làm nghề chài lưới. Nước sông quá bẩn khiến cá tôm không thể tồn tại. Cá tôm còn chết thì làm sao ngư dân có thể tồn tại trên dòng sông ô nhiễm này.

“Chúng ta đã có các dự án tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường các dòng sông, trong đó có sông Nhuệ, sông Đáy, tuy nhiên hiện nay cơ chế phối hợp chưa hiệu quả. Thứ hai, chưa bố trí được nguồn lực. Thứ ba, công nghệ nào để xử lý nước thải sinh hoạt”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trong phiên họp Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vào ngày 30/10/2018.

Theo Đời sống
back to top