Làng nghề nhuộm, thuộc da ô nhiễm vì rác thải, khói bụi

Hàng tấn rác thải trong quá trình sản xuất được đốt không đúng quy trình và hàng chục bãi rác thải sinh hoạt không được xử lý triệt để, gây ra ô nhiễm nguồn không khí, nguồn nước, ảnh hưởng sức khỏe của người dân. Là vấn nạn đã tồn tại từ nhiều năm nay tại các làng nghề nhuộm, thuộc da trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Tình trạng đốt rác thải tự phát vẫn diễn ra ở các làng nghề sản xuất da giày.

Tại làng nghề da giày Phú Yên (huyện Phú Xuyên) tình trạng khói bụi bao phủ quanh các khu dân cư diễn ra một cách thường xuyên, do các chủ cơ sở sản xuất da giày xử lý rác thải theo hình thức đốt một cách bừa bãi.

Anh Trần Văn Công, một người dân sống gần với làng nghề cho biết, hàng tuần người dân sống quanh làng nghề đều chịu cảnh khói bụi và mùi của các loại chất thải, thành phần là da vụn, giả da, pho mếch, keo kếp, đế nhựa... bị đốt. Mặc dù trên địa bàn đã có tổ vệ sinh đi thu gom rác nhưng tình trạng đốt rác thải bừa bãi vẫn diễn ra.
“Cuộc sống của người dân luôn trong cảnh bức bối, người lớn còn không chịu nổi huống chi trẻ nhỏ. Nhiều cháu do hít phải khói bụi nên không lớn được; nhiều trẻ nhỏ đã phải đi bệnh viện điều trị bệnh lao phổi, uống thuốc thường xuyên chỉ vì khói bụi” - anh Trần Văn Công nói.

Xã Phú Yên có 4 thôn, trong đó có 3 thôn làm nghề sản xuất giày dép. Nhờ có nghề truyền thống, nhiều năm nay người dân trở nên giàu có. Tuy nhiên, cũng chính từ nghề này, người dân nơi đây cùng một số xã lân cận như Châu Can, Thượng Yên đang phải gồng mình chống lại nạn ô nhiễm và nỗi lo bệnh tật bởi khói bụi từ rác thải công nghiệp.

Đại diện UBND xã Phú Yên cho biết, có tới 80 - 90% người dân làm nghề sản xuất và phụ kiện liên quan đến ngành da giầy. Nghề này trong nhiều năm qua không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định, mà còn giúp cải thiện kinh tế của nhiều hộ gia đình trong xã. Tuy nhiên, điều đáng buồn là người dân phải hứng chịu ô nhiễm từ khói bụi và nguồn nước do chính sản phẩm làm ra. Người dân thôn Giẽ Hạ, Thủy Phú và một số thôn của các xã lân cận phải hứng chịu ô nhiễm từ khói bụi do đốt rác.

Trong khi đó, tại làng nghề nhuộm La Phù (huyện Hoài Đức), với việc các hộ làm nghề nhuộm và gia công bánh kẹo cùng xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra kênh tiêu T3A, khiến cho dòng nước của kênh tiêu này có màu đen đặc và bốc mùi khó chịu. Bên cạnh đó, việc vứt rác bừa bãi khiến cho tình trạng ứ đọng dòng chảy, tắc nghẽn hệ thống thoát nước thường xuyên xảy ra.

Theo kết quả từ chương trình rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề của Sở TN&MT Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, làng nghề thuộc nhóm nhuộm và thuộc da được phân bố tại địa bàn các quận, huyện như Hà Đông, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Hoài Đức... tập trung vào các hoạt động: Dệt khăn, dệt len, dệt in hoa, da giày... với những làng nghề nổi tiếng như Đông La (Hoài Đức); Phú Yên (Phú Xuyên); Thanh Cao (Thanh Oai); Nghiêm Xuyên (Thường Tín); Hòa Xá (Ứng Hòa); Vạn Phúc, Dương Nội (Hà Đông)... Ở những khu vực này, nguồn nước bị ảnh hưởng bởi những dung môi và chất hữu cơ thải ra trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, tại Làng nghề giày da Giẽ Thượng (huyện Phú Xuyên) có nguồn gây ô nhiễm không khí đáng báo động nhất do quá trình đốt rác tự phát (vải vụn, da thừa...) gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. 

Chất thải rắn của các làng nghề dệt bao gồm: Bụi bông, vải vụn trong quá trình kéo sợi, cắt may. Chất thải rắn của làng nghề làm da giày chủ yếu là da vụn, giả da, pho mếch, keo kếp, đế nhựa... Các thành phần ô nhiễm này có thể phát tán vào môi trường đất thông qua quá trình sa lắng, ngấm theo nước mưa chảy tràn. Chất thải rắn tại các làng nghề được đổ ra bãi chôn lấp chung và được các công ty môi trường đến thu gom, đưa đi xử lý chung với rác thải sinh hoạt.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, các cơ sở sản xuất kết hợp giữa sản xuất thủ công với sử dụng máy móc. Nguyên liệu chủ yếu là len sợi, sợi cotton, sợi PE đối với các làng nghề dệt; da, keo, pho giày, đinh đối với làng nghề giày da. Ô nhiễm không khí với các làng nghề trên chủ yếu mang tính cục bộ trong khu vực sản xuất như bụi phát sinh từ các máy dệt, hơi hữu cơ từ quá trình gia công giày da. 

“Ô nhiễm tại các làng nghề thuộc nhóm nhuộm, da giày chỉ xảy ra cục bộ. Nhưng việc xác định mức độ ô nhiễm gặp khá nhiều khó khăn, do tất cả các làng nghề thuộc nhóm này đều không thực hiện quan trắc môi trường. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải cho các làng nghề này” - ông Lê Tuấn Định nhấn mạnh.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
back to top