Chiếc điện thoại nhặt được

Chiếc điện thoại nhặt được mà lại khiến người ta mừng rỡ. Chẳng ai nghĩ đó là một việc xấu. Nhặt được của rơi phải trả lại người mất, đó là một nguyên tắc sống.

Hình minh họa.

Thấy bạn có iPhone mới, cả lũ trẻ xúm lại xem. Con bé thản nhiên kể: “Bố tớ nhặt được trong bệnh viện đấy. Phải mang ra cửa hàng để phá khóa, rồi bố cho tớ”.

Mấy đứa còn xuýt xoa sao mình không may mắn nhặt được một cái như thế! Chẳng đứa nào nghĩ đó là một việc làm xấu.

Chẳng đứa nào thắc mắc tại sao không tìm để trả lại cho người bị mất. Cũng chẳng đứa nào thèm nghĩ tới việc người bị mất sẽ buồn và tiếc đến thế nào.

Thật không hiểu nổi, cha mẹ hành xử như thế thì làm sao dạy được con cái. Trẻ con luôn nghĩ người lớn làm gì cũng đúng vì vậy sau sự việc này chúng sẽ cho rằng, nhặt được của rơi thì đương nhiên là thuộc về mình.

Trong tất cả các đồ bị mất thì điện thoại là thứ dễ tìm ra chủ nhất. Vậy mà người ta vẫn cố tình lờ đi, lại còn cố tình phá khóa, thay sim để biến thành của mình.

Dù có biện hộ thế nào đi nữa, rằng mình không ăn trộm ăn cắp, chỉ là may mắn nhặt được… thì vẫn là chiếm lấy cái không phải của mình. Như thế là không chính đáng, không đàng hoàng. Như thế là tham!

Có lần tôi thấy một đứa trẻ định nhặt đồng tiền lẻ rơi trên đường, bà nó ngăn lại và bảo đấy là tiền người ta cúng cô hồn, giải hạn… nếu mình nhặt lấy thì những cái xui, cái xấu sẽ theo về mình.

Những người già có vô khối những câu chuyện mê tín về việc nhặt được của rơi, nhất là vàng và tiền thì độc và xui xẻo… Thực hư chẳng biết thế nào nhưng nó khiến con người ta phải sợ, phải kiềm chế lòng tham lại.

Nhặt được của rơi phải trả lại người mất, đó là một nguyên tắc sống, tuyệt đối phải tuân thủ, nếu vi phạm những chuyện không hay sẽ xảy đến với mình.

Thế nhưng ngày nay, thật đáng tiếc khi nhiều người đã quên đi những câu chuyện, những lời răn dạy đó. Người ta còn cho đó là mê tín, lạc hậu, là thiếu khôn ngoan. Tôi không thò tay vào túi anh lấy trộm, mà là nhìn thấy của rơi thì nó đương nhiên phải thuộc về tôi. Đơn giản thế thôi.

Ngay cả mấy vụ người nọ nhặt được cả đống tiền, cả chục cây vàng rồi có người đến nhận, rồi đưa nhau ra tòa, phân xử tiền thuộc về người này, vàng thuộc về người kia… tôi thấy nó cứ thế nào ấy. Dù pháp luật quy định thế. Nhưng thực chất nó có phải là của mình đâu.

                                           Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top