Ảnh minh họa internet
Không cho trẻ dưới 11 tuổi chơi điện thoại
Trẻ bao nhiêu tuổi thì cho dùng điện thoại? TS Jon Goldin- một nhà tâm thần học nổi tiếng thế giới nói trên tờ Dailymail (Anh), hiện nay nhiều cha mẹ cho rằng họ buộc phải mua điện thoại cho con cái của mình vì sợ chúng sẽ bỏ học ở trường. Cha mẹ nên cân nhắc khi mua cho con, đặc biệt ông kêu gọi không nên cho trẻ em dưới 11 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng.
BS Bạch Quốc Nam, Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, hiện nay rất nhiều ông bố, bà mẹ cho con trẻ sử dụng điện thoại thông minh quá sớm, điều này vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với trẻ dưới 11 tuổi. Ở giai đoạn này, mắt của trẻ còn rất non nớt trong khi đó ánh sáng từ điện thoại thông minh vô cùng nguy hại.
Nếu để trẻ thường xuyên sử dụng thiết bị này sẽ là nguyên nhân gây lão hóa mắt, làm tăng khả năng đục thủy tinh thể, gây các tật khúc xạ về mắt như cận thị.
Đặc biệt nếu để trẻ tiếp xúc với điện thoại thoại trong môi trường bóng tối thường xuyên sẽ gây ra nhiều tác hại do ánh sáng xanh thu hút sự chú ý cao độ của đôi mắt, dễ gây mỏi, nhức, đau mắt và lâu dần có thể làm tăng nguy cơ cận thị, hỏng mắt nếu lâu dài.Vậy trẻ bao nhiêu tuổi thì cho dùng điện thoại?
Đồng quan điểm, KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho rằng, trẻ bắt đầu vào cấp 2 mới nên cho sử dụng điện thoại. Khi đó, trẻ mới tiếp xúc một cách chủ động những thông tin có trong điện thoại.
Và ở độ tuổi khoảng 11 tuổi trở lên, mắt trẻ mới thích ứng được với ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại. Ở lứa tuổi này, trẻ có thể chọn lọc thông tin trên điện thoại phục vụ cho việc học tập, vui chơi, giao tiếp với mọi người.
“Cho trẻ nhỏ chơi điện thoại quá nhiều, không chỉ làm mắt trẻ lồi ra, hỏng dây thần kinh nhãn thị mà còn làm trẻ chậm phát triển tư duy, thể chất. Việc ngồi lì một chỗ xem điện thoại thay vì chạy nhảy, hay nuốt thức ăn một cách cơ học thay vì ăn chủ động, sẽ đem lại những tác hại vô cùng lớn cho trẻ. Đáng tiếc là sai lầm này hiện nay phổ biến ở rất nhiều gia đình. Cha mẹ để con tiếp xúc quá nhiều với điện thoại vô tình làm hại trẻ”, KS Nguyễn Huy Bạo cho biết.
Chỉ cho trẻ dùng điện thoại khi thị lực ổn định
Trả lời câu hỏi trẻ bao nhiêu tuổi thì cho dùng điện thoại? TS Phạm Như Hải, nguyên Trương khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Nam Cu Ba cho rằng, chỉ nên cho trẻ dùng điện thoại khi thị lực đã ổn định. Tùy từng trẻ mà thời điểm này khác nhau, nhưng thường rơi vào khoảng 5-7 tuổi trở lên.
Không nên cho trẻ tiếp xúc với điện thoại quá sớm tránh làm tổn thương các tế bào thần kinh còn non nớt trong mắt trẻ. Tiếp xúc với điện thoại càng sớm thì càng có hại cho trẻ. Các bậc cha mẹ không nên lấy điện thoại ra làm “mồi nhử” trẻ, càng không nên dùng điện thoại như một phần thưởng dành cho trẻ. Dễ tạo thói quen lệ thuộc và khó bỏ với chiếc điện thoại.
KS Nguyễn Huy Bạo cho rằng, ánh sáng xanh ở màn hình điện thoại là kẻ thù của mắt, kể cả mắt người trưởng thành. Với trẻ em, khi thị lực chưa phát triển hoàn thiện mà để tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh sẽ làm mắt bị nhược thị, khả năng nhìn kém đi, thậm chí là nguy hại tới khả năng nhìn về sau này.
Để kiên quyết không cho trẻ tiếp xúc sớm với điện thoại, chính cha mẹ cũng phải làm gương. Nhiều gia đình buổi tối mỗi người lớn một cái điện thoại, không ai nói chuyện với ai. Trẻ nhỏ rất dễ học theo, dễ bắt chước. Do đó, từ chối trẻ xem điện thoại là rất khó.
“Cha mẹ hãy cùng con chơi đùa, đọc sách, tham gia các hoạt động ngoài trời… thay vì ném cho chúng cái điện thoại và chúng ngồi yên. Tác hại này là rất nghiêm trọng nhưng ít người quan tâm, đó là điều đáng buồn. Hy vọng các gia đình sẽ nhận thức rõ hơn những tác hại của điện thoại với trẻ nhỏ để thay đổi thói quen”, KS Nguyễn Huy Bạo cho biết.
Theo KS Nguyễn Huy Bạo, trẻ nhỏ thường dùng điện thoại một cách thụ động. Mọi hoạt động của tư duy sẽ bị phụ thuộc hết vào điện thoại nên trẻ lười tư duy, lười vận động, rất có hại cho trẻ.
Bảo Khánh