Chỉ số chứng khoán lên đỉnh lịch sử, đừng lạc quan thái quá

(khoahocdoisong.vn) - Thị trường chứng khoán tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, liên tiếp lập đỉnh mới cả về số lượng người tham gia lẫn giá trị khớp lệnh. Nhiều ý kiến lo ngại, liệu chỉ số chứng khoán hiện tại có phản ánh đúng “tình trạng sức khoẻ” của nền kinh tế thực hay chỉ là “bong bóng chứng khoán”?

Tăng mạnh thứ 2 trên thế giới

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự bứt phá đáng ngạc nhiên và tiếp tục thăng hoa trong 6 tháng đầu năm 2021. VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ 2 trên thế giới trong nửa đầu năm 2021.

Lần đầu tiên trong 20 năm lịch sử chứng khoán Việt Nam, chỉ số Vn-Index liên tiếp lập đỉnh mới, lên trên 1.417 điểm vào phiên giao dịch tuần trước, giá trị khớp lệnh trên cả ba sàn cùng lập kỷ lục.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới (F0) ước đạt 500.000 tài khoản chứng khoán, vượt 27% so với số tài khoản mở mới năm 2020. Chỉ số PE đã ngấp nghé 19 lần.

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu hoành hành, thanh khoản thị trường còn yếu ớt, dòng tiền chỉ đạt từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng/phiên. Bước sang năm 2021, thanh khoản bình quân của thị trường chứng khoán rơi vào khoảng 21 - 22 nghìn tỷ đồng trong vòng 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, trong tháng 6, có những phiên giao dịch với mức thanh khoản lên tới 1,5 tỷ USD, tương đương gần 35.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, lực đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam bứt tốc trong 6 tháng đầu năm là nhờ kinh tế vĩ mô ổn định với các chỉ số tăng trưởng khá tích cực so với mặt bằng chung các nước trên thế giới (GDP Việt Nam 6 tháng tăng 5,64%).

Bên cạnh đó, dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định và ở mức thấp, khiến dòng tiền trong nền kinh tế có xu hướng chuyển từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác, trong đó chứng khoán được nhiều người dân ưu ái “chọn mặt gửi vàng”.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng hơn đó là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn thể hiện sự tích cực trong những tháng đầu năm. Ngoại trừ khu vực doanh nghiệp gặp rủi ro do Covid-19 như dịch vụ ăn uống, du lịch, hàng không, doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa, còn lại hầu hết các doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, bất động sản, xuất khẩu, sắt thép... đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khảo sát của Vietnam Report gần đây về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021, có gần 73% các doanh nghiệp đại chúng được hỏi đều có nhận định lạc quan, cho rằng thị trường tiếp tục sôi động và diễn biến tích cực.

Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), Việt Nam hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước, chiếm trên 3% tổng dân số nước ta. Xét về con số, tiềm năng vẫn còn rất lớn với mục tiêu 5% dân số có tài khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương đương có gần 5 triệu tài khoản chứng khoán trong tương lai không xa.

“Với mức độ tăng trưởng của thị trường hiện nay (Vn-Index vượt 1.418 điểm) và theo đánh giá của các khối nghiên cứu thì chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng nữa”, ông Sơn nhấn mạnh.

Có chệch hướng với kinh tế thực?

Thị trường chứng khoán có những bước tăng đột phá, nhiều ý kiến lo ngại rằng chỉ số chứng khoán đang tăng nóng, đi chệch so với kinh tế thực. Thậm chí là đã có bong bóng chứng khoán, có thể vỡ bất kỳ lúc nào.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn khẳng định, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam là rất tích cực và phản ánh một nền kinh tế phát triển năng động. Điều này hoàn toàn phù hợp mục tiêu kép mà Chính phủ đã đưa ra là kiểm soát tốt dịch bệnh song song với phát triển kinh tế.

“Mức dư nợ của tín dụng ngân hàng vào chứng khoán trong 6 tháng đầu năm tăng khoảng 3%. Tổng mức dư nợ cho toàn bộ nền kinh tế đối với cho vay chứng khoán đâu đó tầm 0,48%, tương ứng khoảng 46.700 tỷ đồng. Đây là mức cho phép trong giới hạn, thậm chí là mức độ thấp chứ chưa thể gọi là tăng trưởng nóng như nhiều người quan ngại”, ông Sơn nói.

Mặc dù khẳng định không có dấu hiệu của bong bóng chứng khoán, nhưng ông Sơn vẫn nhấn mạnh nhà đầu tư cần phải lạc quan trong thận trọng. Đây là giai đoạn cơ quan quản lý cũng như nhà đầu tư cần kiểm soát chặt chẽ sự trung chuyển các dòng tiền. Vì suy cho cùng, với thị trường chứng khoán nói chung, giá cổ phiếu nói riêng, mức tăng trưởng phụ thuộc vào giá trị cốt lõi và khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thị trường chứng khoán được sinh ra với mục tiêu huy động cho nền kinh tế, được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, từ đó tạo mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ giữa thị trường chứng khoán và thị trường tài chính khác. Chứng khoán sẽ đi trước kinh tế thực khoảng từ 3 - 4 tháng, thậm chí có thể là 6 tháng.

Hiện nay, thị trường chứng khoán đang đóng góp khoảng 20% tổng lượng vốn toàn xã hội cho đầu tư và phát triển kinh tế Việt Nam.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam là đồng pha đối với các thị trường chứng khoán các nước trên thế giới. Việc tăng điểm chỉ số chứng khoán không chỉ diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mà hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều có sự tăng điểm thậm chí là ngoạn mục trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay.

Tính tới thời điểm 15/6/2021, thị trường Mỹ đã tăng khoảng 12,4%, Anh tăng 10%, Pháp tăng 19%, hoặc các nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều tăng khoảng trên 12% so với thời điểm đầu năm.

Xét về nội lực, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam là hoàn toàn hợp lý về mặt kinh tế vĩ mô. Những số liệu về kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm dù không như kỳ vọng (trên 6%) nhưng khá khả quan trong điều kiện dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Tuy nhiên, cho dù có lạc quan, cần lưu ý tới thực tế của chứng khoán Việt Nam trong đà tăng trưởng lịch sử của năm 2021 diễn ra trong thời gian rất ngắn, với lượng người tham gia, lượng tiền đổ vào thị trường tăng đột biến. Tức đa số là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, kinh nghiệm chưa có, các khách hàng dễ rời bỏ thị trường và cũng thiếu kinh nghiệm nhất. Nói cách khác là đối tượng khách hàng rủi ro nhất với sự ổn định của thị trường. Đối tượng khách hàng này tham gia đột biến vào thị trường không theo đánh giá về tăng trưởng kinh tế, mà là tranh thủ lướt sóng tìm kiếm lợi nhuận.

Theo Đời sống
back to top