Chứng khoán với áp lực rung lắc: Nên đầu tư cổ phiếu nào?

Với xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo, KBSV nghiêng về kịch bản chỉ số tiếp tục lùi xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn và tích lũy trở lại trước khi có cơ hội bước vào một nhịp tăng điểm trong trung hạn.

Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa có báo cáo nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 11 với nhận định áp lực rung lắc.

Áp lực rung lắc mạnh

Nhìn lại tháng 10, số liệu kinh tế vĩ mô tháng cho thấy tín hiệu phục hồi của nền kinh tế đang dần được thể hiện rõ nét, đặc biệt kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng dương so với cùng kỳ kéo theo sự hồi phục ở hoạt động sản xuất công nghiệp.

CPI tăng nhẹ 0.08% so với tháng trước chủ yếu do giá giáo dục, trong khi đó giá xăng dầu hạ nhiệt. NHNN duy trì hút ròng tín phiếu khiến lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ nhưng ít tác động tới lãi suất thị trường 1.

Trong khi đó, tỷ giá bật tăng mạnh vào cuối tháng do áp lực từ việc DXY duy trì ở mốc cao, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh và hoạt động giao dịch carry trade.

Đồ thị PTKT VNIndex.

Đồ thị PTKT VNIndex.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nối dài chuỗi giảm điểm sâu nhất kể từ tháng 11/2022. Chỉ trong vòng 2 tháng, VN-Index đã đánh mất 226,87 điểm so với mức đỉnh 1255 thiết lập vào đầu tháng 9/2023, tương đương giảm 18% từ đỉnh. Khối ngoại trong tháng 10 đã thực hiện rút ròng 2.677 tỷ đồng, xác lập chuỗi bán ròng 7 tháng liên tiếp kể từ tháng 4/2023.

Theo KBSV, việc thị trường trải qua một nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 10 đã giúp cho định giá của VN-Index điều chỉnh về vùng tương đối thấp trong lịch sử với hệ số P/E cơ bản ở mức 12,39 lần, tiệm cận mức -1std.

Với tỷ suất sinh lời tương đương 8,07%/năm, VN-Index được đánh giá tương đối hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác, đặc biệt là kênh gửi tiết kiệm với lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng hiện chỉ ở mức 5,33%/năm.

TTCK Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phục hồi trong tháng 11, tương đồng với diễn biến chung của TTCK quốc tế nhằm phản ánh diễn biến tích cực của các yếu tố: (1) Lãi suất liên ngân hàng qua đêm và lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm ở Việt Nam đồng loạt giảm; (2) Tỷ giá tiếp tục hạ nhiệt sẽ tạo tiền đề giúp SBV giảm cường độ hút tín phiếu.

Mặc dù vậy, mức độ hồi phục được cho là có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành khi mà mặt bằng định giá của nhiều nhóm cổ phiếu hiện còn neo ở mức cao trong vòng 3 năm trở lại đây.

Xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số đang tiếp cận ngưỡng cản quan trọng quanh 1140 (+-15), tương đương với ngưỡng Fibonacci thoái lui 50%. Đây được xem là ngưỡng cản quan trọng, quyết định việc chỉ số hiện chỉ đang trong nhịp pullback của một nhịp điều chỉnh thiết lập hồi đầu tháng 9 (kịch bản 1) hay đã thực sự đảo chiều và bước vào một nhịp uptrend mới (kịch bản 2).

Với xu hướng giảm điểm hiện vẫn đóng vai trò chủ đạo, KBSV nghiêng về kịch bản chỉ số tiếp tục lùi xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn và tích lũy trở lại trước khi có cơ hội bước vào một nhịp tăng điểm trong trung hạn.

Cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Trong bối cảnh đó, KBSV đưa ra danh mục khuyến nghị tháng 11 với 11 cổ phiếu gồm SSI, PNJ, HHV, ACB, NT2, HSG, CTG, FPT, KBC và VNM.

Trong đó, KBSV cho rằng, SSI sẽ hưởng lợi từ xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất, giúp thanh khoản thị trường cải thiện 25% so với cùng kỳ. Đồng thời, kỳ vọng triển khai hệ thống giao dịch KRX và đưa vào giao dịch trong ngành (T0), giúp thị trường giao dịch sôi động.

Còn với PNJ, quý 3 đạt kết quả kinh doanh tích cực, bất chấp sức mua suy yếu nhờ việc chiếm lĩnh được 26% thị phần. KBSV mong chờ sức mua có sự cải thiện rõ nét hơn trong quý 4, cũng là mùa tiêu dùng cao điểm của ngành trang sức.

HHV ghi nhận backlog tới 4.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3/2023, tương đương doanh thu trung bình mảng xây lắp giai đoạn 2021-2022. Đồng thời, BOT Hữu Nghị - Chi Lăng khi hoàn thành sẽ giúp tăng lưu lượng xe HHV. KBSV kỳ vọng HHV nhận hỗ trợ 2.280 tỷ đồng cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả từ đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải trong năm 2024.

Với ACB, sau khi dịch chuyển cơ cấu tín dụng sang nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn, ACB muốn tín dụng tăng tốc 15% trong thời gian tới và hoàn thành hạn mức được giao. KBSV kỳ vọng tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ giảm trong 2 quý tới giúp ACB giảm bớt gánh nặng trích lập.

NT2 thuộc nhóm điện khí được dự báo khả quan hơn từ quý 4/2023 khi A0 bắt đầu tăng. Đồng thời, giá khí đầu vào của NT2 đã hạ nhiệt đáng kể so với mức trung bình 2022 và NT2 sẽ kết thúc quá trình đại tu sau quý 3/2023.

HSG ghi nhận kênh xuất khẩu hỗ trợ doanh thu. Biên lợi nhuận gộp kỳ vọng cải thiện sớm nhờ mức nền thấp HRC duy trì và đã đẩy hết lượng hàng tồn kho giá cao HSG. Ngoài ra, HSG có cơ cấu tài chính an toàn.

Với CTG, tăng trưởng tín dụng mong chờ đạt 12% trong năm 2023, đồng thời giá chiết khấu sâu so với định giá.

FPT có triển vọng tích cực được dẫn dắt bởi mảng CNTT. Mảng viễn thông và giáo dục cũng duy trì tăng trưởng tích cực.

KBC hy vọng ghi nhận doanh số cho hơn 160ha đất KCN trong năm nay. Tràng Duệ 3 dự kiến hoàn thành pháp lý trong năm nay và ghi nhận doanh thu cho KBC thuê bắt đầu từ 2024.

Với VNM, biên lợi nhuận gộp tiếp tục cải thiện và thị phần cải thiện nhờ chiến dịch thay đổi nhận diện thương hiệu.

Theo Đời sống
Chủ tịch Vinahud đăng ký mua 20% vốn VHD

Chủ tịch Vinahud đăng ký mua 20% vốn VHD

Ông Trương Quang Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Vinahud (UPCoM: VHD), vừa đăng ký mua gần 7,7 triệu cổ phiếu VHD, tương đương 20,22% vốn điều lệ Vinahud, với mục đích "đầu tư cá nhân".
back to top