Trả phí cho dịch vụ công nghệ kém và lỗi thời
Chuỗi ngày nghẽn lệnh bắt đầu khi dòng tiền tăng hơn 10 lần và HoSE, một hệ thống trước đó thường tiếp nhận bình quân dưới 170.000 lệnh mỗi phiên, nay phải tải 900.000 lệnh.
Thực tế, có những phiên giao dịch lên đến 30.000 tỷ đồng hệ thống không nghẽn, nhưng có những khi chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng hệ thống đã nghẽn là điều rất khó hiểu ở sàn HoSE.
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), nguyên nhân nghẽn lệnh thì có nhiều. Ngoài nguyên nhân Covid, lãi suất ngân hàng thấp khiến dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán, còn có các nguyên do khác như đưa chứng quyền vào giao dịch, danh sách các công ty niêm yết tăng lên. Đây đó có một số công ty chứng khoán sử dụng robot trading, đẩy lượng lệnh của toàn thị trường lên rất nhiều.
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc SHS. |
Việc trả kết quả của HoSE chậm, không sát với lệnh khớp cộng thêm việc chăn hủy, sửa lệnh khiến nhà đầu tư không mua được ở giá thấp, không bán được ở mức giá cao dù nhìn thấy cơ hội trên thị trường, thường xuyên dùng lệnh MP trong tình trạng giao dịch tù mù, không biết lệnh trôi đi đâu.
Cần nhấn mạnh rằng, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán không hề sử dụng miễn phí các dịch vụ mà phải trả khá nhiều khoản phí ngoài nộp thuế.
Cụ thể, với mỗi giao dịch chứng khoán qua tổng đài, nhà đầu tư phải trả tối thiểu mức phí là 0,03%/giá trị giao dịch. Khoản phí 0,03% giá trị giao dịch này được công ty chứng khoán thu hộ để trả cho sở giao dịch chứng khoán để vận hành thị trường.
Với mức phí này, thay vì xứng đáng được hưởng dịch vụ tốt từ sở giao dịch chứng khoán với quyền giao dịch thông suốt, nhà đầu tư lại bị đẩy vào tình trạng yếu kém kĩ thuật hệ thống của HoSE, khiến nghẽn lệnh kéo dài như hiện nay.
Vấn đề đặt ra là, với nguồn thu phí đó, tại sao Sở không sử dụng để nâng cấp công nghệ hàng năm, kiện toàn hệ thống vận hành trơn tru hơn? Nguồn thu này đi về đâu khi 20 năm qua, HoSE vẫn duy trì vận hành một hệ thống cũ kỹ để dẫn tới hiện trạng nghẽn lệnh và chỉ nhà đầu tư phải chịu thiệt thòi?
Với tư cách là đơn vị cung cấp dịch vụ, ông Nguyễn Chí Thành, rất hiểu tâm tư của khách hàng khi bị đặt vào tình thế khó, bị động và chịu nhiều thiệt thòi như hiện nay. Đại diện SHS cho rằng, với quy trình quản lý Nhà nước thì ông không nắm rõ, nhưng khi cung cấp dịch vụ chưa ổn thì các nhà quản lý phải có một động thái cụ thể hơn để hỗ trợ nhà đầu tư.
“Chúng tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng như sở giao dịch chứng khoán. Chúng tôi cũng kỳ vọng, sau khi phần mềm mới của FPT đưa vào triển khai thì thị trường chứng khoán sẽ hoạt động thông suốt và trơn tru hơn để nhà đầu tư tránh được những bất tiện như bây giờ, chúng tôi cũng đỡ bị áp lực hơn”, ông Thành nói.
Đồng thời, ông Thành đề xuất cơ quan quản lý, cụ thể là HoSE và UBCKNN nên có hành động cụ thể như miễn giảm một phần phí giao dịch khi dịch vụ chưa được cung cấp tốt để chứng tỏ sự cầu thị và trân trọng tới cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam.
“Chưa bao giờ chúng tôi bị chửi nhiều như hiện nay”
Khi quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng, không chỉ các nhà quản lý, công ty chứng khoán cũng phải trực tiếp hứng chịu nhiều chỉ trích thậm chí phản ứng quá khích.
“Chưa một năm nào mà chúng tôi, các công ty chứng khoán lại bị “chửi” nhiều như 2 năm nay, đặc biệt là cứ những phiên giao dịch nào bị nghẽn, bị dừng là chúng tôi phải hứng chịu mọi phản ứng tiêu cực và có phần thái quá của nhiều nhà đầu tư”, ông Nguyễn Chí Thành chia sẻ.
Ông Thành cho biết, là thành viên của các Sở giao dịch chứng khoán, SHS cũng như các công ty chứng khoán khác phải chịu sự quản lý trực tiếp của Sở và UBCKNN. Các công ty chứng khoán phải tuân thủ mọi chỉ thị của cơ quan quản lý, ngay cả việc cấm hủy, sửa lệnh, nâng lô dù gây nhiều bất tiện cho nhà đầu tư.
Mặt khác, ông Thành cũng đánh giá cao và chia sẻ với lãnh đạo của HoSE cũng như UBCKNN, bởi các nhà quản lý cũng đã rất nỗ lực tìm các giải pháp xử lý tình trạng nghẽn lệnh, dù chỉ là tạm thời.
Trong thời gian chờ hệ thống mới của FPT hay KRX đi vào vận hành, thị trường cần xác định “sống chung với lũ”, tự thích nghi. Để tránh những thiệt hại do sự cố nghẽn lệnh gây ra, công ty chứng khoán đã cố gắng tư vấn cho khách hàng những mã có thể đầu tư và giữ lâu dài với kỳ vọng lãi tốt hơn và hạn chế giao dịch lướt sóng T3+ liên tục.
“Hệ thống bị nghẽn lệnh tức là rơi vào tình trạng khẩn cấp. Mà khi đã ở tình trạng khẩn cấp như hiện nay thì không có cách nào khác là chúng ta phải đoàn kết, phải vì lợi ích chung của cả thị trường mà gạt đi hoặc giữ lại những lợi ích riêng”, ông Thành nhận định.
Đồng thời, ông Thành mong muốn phát huy kênh truyền thông để truyền tải được những thông tin chính thống, minh bạch tới nhà đầu tư, để nhà đầu tư có thể hiểu và có cái nhìn đa diện hơn.
Giải thích về sự chậm trễ của các dự án công nghệ thông tin của HoSE, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN thừa nhận, nguyên nhân chủ quan là từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng như chủ đầu tư là HoSE. Trong quá trình triển khai dự án, có những lúc chưa thực sự quyết liệt, nên có sự chậm trễ. Hơn nữa, việc triển khai dự án xây dựng hệ thống giao dịch cho thị trường khá phức tạp và thiếu kinh nghiệm, nhất là dự án KRX.
Ông Dũng đã thẳng thắn nhận lỗi đối với các nhà đầu tư, “chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi, mà nợ nhiều lời xin lỗi, nhưng chúng tôi đang rất nỗ lực để tìm ra giải pháp khắc phục. Chúng tôi mong nhà đầu tư thông cảm”.
“Tôi cũng xin lỗi các nhà khoa học, nhà kinh tế gửi nhiều email đề xuất giải pháp khắc phục nghẽn lệnh, nhưng không có thời gian nên không thể trả lời hết, do phải tập trung cho xử lý hệ thống...”, ông Dũng nói.
Ông Dũng khẳng định sẽ thực hiện đúng cam kết là cuối tháng 6 đầu tháng 7 tới sẽ đưa hệ thống do FPT IS triển khai vào vận hành, tuy nhiên, ngày cụ thể chưa chốt.