Chất keo tụ và bột màu từ bùn đỏ

(khoahocdoisong.vn) - Quy trình sản xuất chất keo tụ và bột màu từ bùn đỏ của PGS.TS Lê Thị Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam không chỉ giúp tận dụng được các thành phần hữu ích của bùn đỏ để sản xuất vật liệu mà còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Để thực hiện ý tưởng này, PGS.TS Lê Thị Mai Hương đã hòa tách bùn đỏ bằng axit sulfuric có nồng độ từ 2 - 5mol/L ở nhiệt độ xấp xỉ 100°C, trong điều kiện khuấy trộn liên tục từ 2 - 3 giờ. Nguyên liệu axit được chuẩn bị bằng cách hòa tan axit sulfuric đặc 98% trong nước. Nhiệt của phản ứng hòa tan axit sulfuric cũng sẽ được tận dụng để cấp nhiệt cho phản ứng hòa tách bùn đỏ.

Để kiểm tra kết quả trong thực tế, bà đã thử nghiệm với 1kg bùn đỏ ướt thải từ nhà máy Alumin Tân Rai, Tây Nguyên. Sau khi hòa tách bùn đỏ trong máy khuấy với 250ml dung dịch axit sulfuric đặc 98% và 500ml nước, ở nhiệt độ xấp xỉ 100°C trong thời gian 3 giờ, đồng thời thực hiện các bước lọc, rửa, tuần hoàn, sấy, nghiền theo thông số kỹ thuật phù hợp, kết quả thử nghiệm đã thu được sản phẩm là 200g bột màu, 200ml chất keo tụ dạng lỏng và 80g chất keo tụ dạng rắn từ 1 kg bùn đỏ ban đầu. Dù phương pháp này có thể giúp xử lý bùn đỏ, tuy nhiên cũng mới chỉ dừng ở việc giảm bớt được một phần nhỏ trong số hàng triệu tấn bùn thải ra hàng năm, để xử lý được trên quy mô rộng hơn sẽ cần phải nghiên cứu hoặc phát triển thêm các phương pháp khác nữa.

Theo Đời sống
back to top