Chăm sóc da mụn đúng cách tránh sẹo xấu

Mụn trứng cá với các triệu chứng đa dạng như mụn đầu đen, đầu trắng, sẩn, mụn mủ, mụn bọc, nang, áp xe… và có thể tạo sẹo xấu. Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc da mụn nhằm kiểm soát mụn, phòng ngừa tái phát của TS.BS Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu TƯ.

Video chăm sóc da mụn tránh sẹo xấu đón xuân.

Tránh tự ý dùng thuốc

Trứng cá là một rối loạn thường gặp của nang lông tuyến bã. Các tổn thương khu trú ở vị trí tiết nhiều chất bã như mặt, lưng, ngực. Khoảng 80% trường hợp trứng cá gặp ở tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt giai đoạn dậy thì.

Nguyên nhân gây bệnh là do: Sừng hóa cổ nang lông; Tăng tiết chất bã; Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn; Quá trình viêm.

Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác như yếu tố gia đình, stress, béo phì, thời tiết: nóng ẩm, hanh khô; Sử dụng thuốc: corticoid, lithium, isoniazid, thuốc có dẫn xuất nhóm halogen, mỹ phẩm; Một số bệnh lý: hội chứng Cushing, buồng trứng đa nang ...; Chế độ ăn: nhiều sữa và đường; Vệ sinh da mặt, nặn bóp, mát xa không đúng cách,...

Khi bị mụn, đừng quá lo lắng, hãy tìm hiểu nguyên nhân gây mụn và khắc phục những nguyên nhân đó, có chế độ chăm sóc da hợp lý và đều đặn.

Điều quan trọng hơn là không nên tự ý dùng thuốc để điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc điều trị mụn cần phù hợp với từng độ tuổi, mức độ nặng nhẹ, thể mụn cũng như giai đoạn bệnh, do đó cần có sự tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để nhận được phác đồ điều trị phù hợp nhất, tránh tự ý dùng thuốc. Một số phương pháp điều trị phổ biến gồm có:

Thuốc bôi tại chỗ: retinoid bôi, benzoyl peroxid, kháng sinh bôi…

Thuốc uống: isotretinoin, kháng sinh toàn thân, liệu pháp hormon…

Các phương pháp hỗ trợ khác: ánh sáng xanh, trích nhân mụn, chăm sóc da mụn…

Chăm sóc để ngừa tái phát

Chăm sóc da mụn là một việc quan trọng để kiểm soát mụn, phòng ngừa tái phát. Việc chăm sóc da cần phải được thực hiện đều đặn hàng ngày, trong đó có một số lưu ý:

Rửa mặt bằng sữa rửa mặt nhẹ nhàng có độ pH khoảng 5.5-7 để hạn chế kích ứng và khô da.

Không chà xát mạnh da mặt khi rửa, chỉ massage nhẹ nhàng bằng các ngón tay.

Tránh các vi chấn thương lặp đi lặp lại làm kích thích hình thành nhân mụn.

Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, kem chống nắng không gây nhân mụn. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm dưới dạng gel và dung dịch để hạn chế bít tắc lỗ chân lông, tránh dùng các sản phẩm dạng cream.

Không tự ý cạy nặn mụn vì nguy cơ để lại sẹo lõm, sẹo lồi.

Ngoài ra, cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, hạn chế đường, sữa nguyên kem; tăng cường chế độ ăn giàu kẽm, acid béo omega-3, chất chống oxy hóa và chất xơ; hạn chế căng thẳng, stress, thức khuya…

Theo Đời sống
back to top