1. Nỗ lực phục hồi y tế sau thời gian dài ứng phó với đại dịch COVID-19
Các bệnh viện đã phục hồi trở lại trạng thái bình thường, triển khai được nhiều kỹ thuật mới, thu hút đông người dân đến khám, chữa bệnh. Mặc dù chưa phục hồi hoàn toàn, nhưng số lượt khám chữa bệnh trong 11 tháng đầu năm trên địa bàn đã vượt gần 8 triệu lượt so với cả năm 2021. Sở Y tế cho rằng, hệ thống y tế thành phố đã đứng vững sau đại dịch và đang trên đà hồi phục.
2. Chủ động ứng phó với các loại dịch không để xảy ra dịch chồng dịch trên địa bàn thành phố
Năm 2022, khi vừa kiểm soát được đại dịch COVID-19 thì dịch sốt xuất huyết lại bùng phát sớm tại TPHCM. Bên cạnh đó là dịch bệnh mới nổi đậu mùa khỉ xâm nhập. Đến nay, các giải pháp chủ động ngăn chặn đã giúp thành phố tránh được nguy cơ dịch chồng dịch xảy ra.
Phục hồi y tế sau thời gian dài ứng phó với đại dịch COVID-19 |
3. Khởi động chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (chương trình WHO PEN)
Tổ chức Y tế Thế giới đã quyết định hỗ trợ cho kế hoạch nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ ban đầu của y tế cơ sở tại TPHCM. Ngành Y tế thành phố đang chuẩn bị đấu thầu tập trung cấp địa phương với danh mục thuốc mở rộng hướng về y tế cơ sở. Danh mục thuốc cho các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế sẽ được bổ sung tương tự như danh mục thuốc của các bệnh viện tuyến huyện. Đây là giải pháp ưu tiên nguồn lực cho chương trình chăm sóc sức khỏe giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm tỷ lệ tử vong.
4. Đưa vào vận hành mô hình cấp cứu trầm cảm
Tác động của dịch COVID-19 lên sức khỏe tâm thần của người dân đã được nhiều báo cáo khoa học ghi nhận. Sau khi đưa vào vận hành mô hình “Cấp cứu trầm cảm” đã tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ tư vấn và cấp cứu tâm thần. Ít nhất 40 trường hợp được Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp cận và đưa đến bệnh viện Tâm thần điều trị.
Đưa vào vận hành mô hình cấp cứu trầm cảm |
5. Đưa bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành tại các bệnh viện gắn liền với thực hành tại trạm y tế
Từ tháng 2/2022, hoạt động thí điểm chương trình trên đã diễn ra. Hiện có 286 bác sĩ đang được đào tạo theo chương trình, trung bình mỗi trạm y tế được phân bổ một bác sĩ trẻ đến tham gia thực hành công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Sau 6 tháng triển khai, kết quả lượng giá cho thấy tất cả các bác sĩ trẻ đều thực hiện tốt ở các nội dung được đào tạo, hơn 90% các bác sĩ đều đạt được các chỉ tiêu về thực hành lâm sàng tại bệnh viện và tại trạm y tế.
6. Đưa bác sĩ và trí tuệ nhân tạo về xã đảo Thạnh An
Lần đầu tiên trên cả nước, cùng với việc đưa các bác sĩ trẻ tình nguyện ra xã đảo, Ngành Y tế Thành phố đã đưa máy X-Quang kỹ thuật số có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) đến với trạm y tế xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Với các hoạt động và sản phẩm công nghệ chỉ mất khoảng 15 phút các bác sĩ đã chẩn đoán chính xác và lên kế hoạch điều trị cho người bệnh. Thời gian tới Sở Y tế sẽ triển khai khám sức khoẻ và lập hồ sơ sức khoẻ điện tử cho người dân xã đảo Thạnh An.
7. Triển khai nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu
Cuối tháng 8/2022 Bệnh viện Chợ Rẫy và và Bệnh viện Nhi Đồng 2 lần đầu tiên triển khai ghép thận từ người hiến chết não không cùng huyết thống cho một bệnh nhi. Bên cạnh đó là kỹ thuật giải trình tự gen giúp phát hiện, kiểm soát dịch bệnh mới nổi. Ngoài ra các bệnh viện cũng triển khai hàng loạt kỹ thuật mới trong điều trị ung thư, điều trị vô sinh, đẩy mạnh phẫu thuật Robot.
Triển khai nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu |
Các thành tựu còn lại được ngành y tế triển khai gồm: Đối thoại và lắng nghe ý kiến của người dân về việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến (8); Thêm nhiều công trình mới đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng điều trị (9); Tổ chức thành công Hội thi Trưởng trạm y tế giỏi (10).