Chăm sóc bệnh nhân mạn tính trong mùa dịch Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Người bệnh mạn tính nói chung, người tăng huyết áp nói riêng, nên duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, vận động vừa sức, đảm bảo hạn chế tiếp xúc. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình vẫn nên đảm bảo chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất.

Người tăng huyết áp cần kiểm tra cơ số thuốc hiện có

ThS.BS Nguyễn Đình Sơn Ngọc, Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, người mắc các bệnh lý về tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng là một trong những đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng nếu nhiễm Covid-19. Một nghiên cứu trên người nhiễm Covid-19 cho thấy, tỷ lệ tử vong ở người có bệnh nền tim mạch cao gấp 5 lần so với người bình thường.

  • Bữa ăn của người dân trong thời gian giãn cách vẫn nên đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng với cơ thể mình.

    Bữa ăn của người dân trong thời gian giãn cách vẫn nên đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng với cơ thể mình. 

Do vậy, bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch của Bộ Y tế, người bệnh cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc mà mình hiện có. Nếu còn ít, cần gọi điện thoại cho bác sĩ điều trị hoặc phòng khám chuyên khoa mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định. Cần trang bị các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp… Trong trường hợp có chỉ định tái khám, phải đeo khẩu trang và thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của cơ sở y tế.

ThS.BS Nguyễn Đình Sơn Ngọc khuyến cáo, nếu có các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt mỏi ngày càng tăng dần hoặc huyết áp, tần số tim không ổn định, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị để nhận được hướng dẫn xử trí phù hợp. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện gần nhất.

Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện gần nhất. (Ảnh tư liệu)

Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện gần nhất. (Ảnh tư liệu)

Về chế độ sinh hoạt, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ. Nên vận động vừa sức, đảm bảo hạn chế tiếp xúc theo các quy định phòng chống dịch và có chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất. Bên cạnh đó, người bệnh nên ngủ đủ giấc, không căng thẳng quá mức và không lạm dụng bia rượu, các chất kích thích.

Tăng cường rau củ dạng bông

Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM, người có nhiều bệnh nền, hệ miễn dịch có những bất ổn cần một chế độ dinh dưỡng và chăm sóc hợp lý.

Cần duy trì như bình thường 400 - 500g rau/ngày; 200g trái cây/ngày. Cố gắng chọn loại trái cây chín theo mùa; ưu tiên nhóm có hàm lượng vitamin, chất khoáng, chất xơ, hoạt chất chống oxy hóa cao. Nên ăn rau có lá như rau cải, muống, mồng tơi, dền, ngót… Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách quá dài,  có thể ưu tiên các loại rau dạng bông trái như su su, su hào, bắp cải, bông cải, cà rốt, bí bầu, mướp. Loại rau củ màu xanh, vàng, đỏ, cam, tím vì nhiều vitamin C, A, nhiều canxi, sắt, phức hợp polyphenon… tăng đề kháng, phòng ngừa táo bón.

Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, bữa ăn hằng ngày trong thời gian giãn cách cũng cần phối hợp đủ các nhóm thực phẩm gạo và ngũ cốc, thịt, cá, trứng, rau xanh...

Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, bữa ăn hằng ngày trong thời gian giãn cách cũng cần phối hợp đủ các nhóm thực phẩm gạo và ngũ cốc, thịt, cá, trứng, rau xanh...

Nên ăn đủ nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng, đặc biệt đa dạng các nhóm thực phẩm. Bữa ăn hằng ngày cần phối hợp đủ các nhóm thực phẩm gạo và ngũ cốc, thịt gia súc - gia cầm, cá và thủy hải sản, trứng, sữa và sản phẩm từ sữa, hạt có dầu và dầu thực vật, rau xanh, trái cây.

Dù thế nào, chúng ta vẫn duy trì thực đơn đủ 3 bữa chính và 1 bữa phụ, không nên bỏ bữa vì sẽ ảnh hưởng xấu đến các chức năng của cơ thể trong đó có dạ dày, tim mạch và sức khỏe. Ăn đủ chất đạm để giúp hồi phục tổn thương, sản xuất kháng thể chống bệnh nhiễm trùng, enzym chuyển hóa chất dinh dưỡng. Đối với người có bệnh lý, nên mua thêm các loại sữa phù hợp, bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh.

Đối với dự trữ thực phẩm dài ngày để hạn chế ra ngoài và tiếp xúc, BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyên, cố gắng giảm thực phẩm chế biến nhiều chất béo, hun khói… không ăn mặn cũng như không tiêu thụ quá nhiều đường. 

Tủ thuốc gia đình cần có gì trong mùa dịch

Trong những ngày chống dịch, việc khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Theo BS Phan Xuân Trung, một vài bệnh thông thường mà bạn có thể tự xử lý được. Vì vậy, hãy trang bị tủ thuốc gia đình đầy đủ.

Bao gồm: Cảm sốt, nhức đầu (Paracetamol 500mg: ngày 2 - 3 lần, 1viên/lần; Vitamin C 1g: ngày 1 lần, mỗi lần 1 viên); tiêu chảy (Smecta ngày 2 lần, mỗi lần 1 gói, uống 1 - 2 ngày; Lactomin, uống ngày 2 lần mỗi lần 1 gói); đau dạ dày (Omeprazol, ngày 1 viên buổi sáng); nóng rát bao tử (Phosphalugel, uống 1 gói); buồn ói (Primperan: uống 1 - 2 lần, 1 viên/lần); chóng mặt khi thay đổi tư thế (rối loạn tiền đình) uống Betaserc (uống 1 - 3 lần x 1 viên).

Bạn có thể tự xử lý các tình huống đơn giản trong thời gian giãn cách bằng cách trang bị cho mình một tủ thuốc gia đình. (Ảnh tư liệu)

Bạn có thể tự xử lý các tình huống đơn giản trong thời gian giãn cách bằng cách trang bị cho mình một tủ thuốc gia đình. (Ảnh tư liệu)

Thuốc dành cho đau nhức khớp gối, khớp vai là Etoricoxib 90, uống 1 viên sau ăn no. Đau cơ lưng, cơ cổ, vai, bong gân, trật khớp... có Myomethol, ngày 2 - 3 lần x 1 viên, kèm theo thuốc đau dạ dày và đau nhức khớp gối, khớp vai.

Trong nhà có người lớn bị hen suyễn cần chuẩn bị thêm Salbutamol 4mg, ngày 2 lần (sáng - chiều), mỗi lần 1 viên.

Để đối phó với sưng amidan, đau họng, rát họng, viêm xoang, chúng ta có thể chuẩn bị: Ciprofloxacin 500mg, ngày 2 lần x 1 viên (kháng sinh); Prednison 5mg, ngày 3 lần x. 1viên sau ăn no (kháng viêm); Bromhexin, ngày 3 lần x 1 viên (long đàm)

Bệnh nhân tăng huyết áp đừng quên Amlordipin 5mg (1 viên vào buổi sáng). Và nhớ Telfast 60mg, ngày 2 - 3 lần x 1 viên để phòng ngừa trong các trường hợp dị ứng.

Trên đây là vài đơn thuốc tự chữa trị khi không thể tiếp cận thầy thuốc. Tuy nhiên, chúng ta cần tham khảo ý kiến dược sĩ tại nhà thuốc.

Theo Đời sống
back to top