Chủ động khai báo y tế trước khi tới khám
TS.BSCKII Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết, hiện nay, bệnh nhân tái khám sẽ được khám tại Cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu tại TP Thủ Đức, TPHCM. Tùy theo vùng dịch tễ, người bệnh được lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc trước khi vào khám hoặc đưa vào khu cách ly và thông báo cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) xử lý. Tuy nhiên, do hiện tại, Bệnh viện chỉ lấy mẫu và gửi về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, nên kết quả phụ thuộc vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (Ảnh tư liệu - Sở Y tế TPHCM) |
Từ 26/5 đến hết ngày 03/6/2021, TPHCM đã lấy 323.204 mẫu xét nghiệm. Gần 200.000 mẫu đang chờ kết quả. Vì vậy để chủ động, người bệnh và người nhà có thể chủ động khai báo y tế điện tử tại nhà trước khi đến Bệnh viện trong vòng 12 tiếng.
Khai báo y tế trung thực nơi cư trú hay những nơi từng đi qua, theo hướng dẫn tại link: https://kbyt.khambenh.gov.vn/#tokhai_yte/model.
Khi có dấu hiệu “SỐT, HO, KHÓ THỞ” trước khi đến bệnh viện, người bệnh vui lòng gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc của Bệnh viện Ung bướu 0385 815 521 để được hướng dẫn đi khám an toàn.
TS.BSCKII Diệp Bảo Tuấn cho biết, những trường hợp cấp cứu Bệnh viện vẫn tiếp nhận để xử trí và điều trị. Bệnh nhân sẽ được đưa vào khu cấp cứu sàng lọc, với tư thế nghi nhiễm Covid-19. Khu riêng này bao gồm điều trị, thậm chí cách ly toàn bộ gia đình nếu cần thiết. Các trường hợp cấp cứu, dù trong vùng dịch tể hay bệnh nhân dương tính với Covid-19, vẫn được Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiếp nhận và điều trị.
Nếu không thuộc vào diện cần cấp cứu, các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh nhân nên tạm thời không cần lên tái khám trong 2 tuần cho đến khi TPHCM trở lại bình thường, không có lệnh giãn cách.
“Chúng tôi đã gửi hơn mấy chục ngàn tin nhắn cho các bệnh nhân ung thư đã ổn định nên theo dõi và tái khám tạm thời tại địa phương. Đối với bệnh nhân sắp xuất viện, chúng tôi có chính sách cho thuốc và hẹn tái khám đến 3 tháng. Bảo hiểm y tế đều có hướng dẫn và chi trả,” TS.BSCKII Diệp Bảo Tuấn cho biết.
Khi vào cổng bệnh viện tất cả người dân bắt buộc phải mang khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn và mang theo giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân. Người bệnh nên tự mang theo bút cá nhân để ghi thông tin và ký nhận vào các giấy tờ khi được yêu cầu, giảm thiểu khả năng lây nhiễm bệnh theo đường tiếp xúc.
Theo Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bảo hiểm Xã hội TPHCM đã có công văn hướng dẫn tạm thời trong dịch Covid-19, người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế không bị giới hạn thời gian tái khám 10 ngày như trước đây. Từ ngày 5/5/2021, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh mạn tính sẽ được khám và cấp thuốc điều trị tối đa 3 tháng và tái khám 3 tháng/1 lần để đảm bảo an toàn cho người bệnh và giảm thiểu các ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
Khám tại nhà cho người bệnh mạn tính và cao tuổi
Trong đại dịch Covid-19, nhóm bệnh mạn tính không lây như ung thư, suy thận mạn, huyết áp… và người cao tuổi đã chịu rất nhiều tác động. Theo BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, bốn nhóm bệnh mạn tính không lây thường gặp nhất tại bệnh viện này là bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và các bệnh hô hấp mạn tính cùng với lão khoa.
Bệnh nhân mang khẩu trang, rửa tay tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. |
Các khảo sát gần đây cho thấy có sự gián đoạn trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bao gồm chẩn đoán và điều trị bệnh mạn tính lên đến 70% trường hợp, đặc biệt khi làn sóng thứ tư Covid-19 đang diễn tiến phức tạp.
Để tăng cường quản lý điều trị có hiệu quả và an toàn cho người bệnh mắc các bệnh lý mạn tính tại cộng đồng trong bối cảnh dịch phòng chống dịch Covid-19, Bệnh viện triển khai khám bệnh tại nhà theo yêu cầu. Bệnh được khám tại nhà là nhóm bệnh mạn tính ổn định.
BS Lê Bình Khang, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, giải thích thêm, bệnh mạn tính ổn định tức là các chỉ số cận lâm sàng trong thời gian 3 tháng gần đây được theo dõi ổn định. Hiện nay, Bệnh viện đang khám tại nhà theo yêu cầu tầm 5-10 người/tuần.
Khi lên lịch hẹn thăm hộ gia đình kết hợp khám, thu thập thông tin sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính với tư vấn, hướng dẫn phòng chống dịch và sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, Bệnh viện cũng triển khai hẹn lịch cấp phát thuốc định kỳ tại cơ sở y tế vào một số ngày cố định cho người nhà bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đến nhận thuốc, phát thuốc.
BSCKII Phan Văn Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, nhóm bệnh mạn tính khám tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ được cho thuốc từ 1 - 3 tháng. Tuy nhiên, tùy theo bệnh lý mà bác sĩ của bệnh viện có những chỉ định thích hợp. Nếu bệnh nhân sử dụng thuốc liên tục kéo dài mà không kiểm soát tốt bệnh có thể dẫn đến hiệu quả điều trị không tốt.
Khám sàng lọc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TPHCM |
Ví dụ, như đái tháo đường, đôi khi trong 3 tháng, nếu đường huyết tăng cao mà không được kiểm soát kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Vì vậy, các bác sĩ thường cho thuốc khoảng 1 tháng và yêu cầu bệnh nhân đến tái khám để điều chỉnh thuốc.