Cầu Thăng Long xuống cấp thế nào?

(khoahocdoisong.vn) - Tháng 7 tới, Tổng cục Đường đường bộ Việt Nam sẽ đóng cửa hoàn toàn cầu Thăng Long (Hà Nội) để sửa chữa quy mô lớn, các phương tiện sẽ di chuyển qua cầu Nhật Tân.

Làm mới cầu Thăng Long

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, trong tháng 7 tới đây dự án sửa mặt cầu Thăng Long sẽ bắt đầu được triển khai thi công sửa chữa. Thời gian thi công kéo dài đến hết năm 2020. Để đảm bảo yêu cầu thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ sẽ cấm lưu thông, đóng cửa toàn bộ cầu Thăng Long. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng cho biết, để đảm bảo điều kiện thi công và tránh những vấn đề thời tiết mưa, nắng gây bất lợi trong quá trình thực hiện dự án, toàn bộ cầu Thăng Long sẽ được lập mái che bằng tôn.

Về công nghệ kỹ thuật sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này, ông Huyện thông tin, dự án cầu Thăng Long sẽ sử dụng công nghệ của châu Âu, công nghệ này được sử dụng nhiều ở Mỹ và Trung Quốc nhưng là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Khác với những đợt sửa chữa trước, lần này mặt cầu sẽ được sửa chữa các bản thép với kết cấu liên hợp siêu nhẹ. Đơn vị thi công sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông cường độ cao. Sau đó, sẽ thi công lớp phủ bê tông nhựa tạo nhám để đảm bảo độ êm trong quá trình khai thác. Đồng thời, các khe co giãn trên mặt cầu đã hư hỏng sẽ được thay thế toàn bộ.

Đánh giá nguyên nhân và giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long, các nhà khoa học thuộc Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại học Giao thông Vận tải và Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng công trình giao thông 2 cũng đã có những nghiên cứu khá chi tiết. Theo kết quả thị sát hư hỏng trên cầu Thăng Long của 2 đơn vị này thì mặt đường đã bị rạn nứt đến gần 9.000m2, diện tích hằn lún dưới 2,5cm là gần 1.300m2, từ 2,5 - 7cm là 570m2. 4 trong 8 khe co giãn cầu bị hư hỏng và được che tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông.

Công nghệ nào tối ưu?

Theo khảo sát, các dạng hư hỏng điển hình của lớp phủ trên mặt cầu thép đều xuất hiện, bên cạnh đó còn xuất hiện các hư hỏng ở vùng mô men âm trên đỉnh giàn theo phương dọc và ở đỉnh cánh hẫng, chất lượng vật liệu phủ đã hư hỏng…

Tại hầu hết các lỗ khoan, bê tông nhựa không dính bám với bản mặt thép, nước xuất hiện tại vị trí tiếp giáp giữa lớp phủ bê tông nhựa với bản mặt thép. Xuất hiện vết nứt dọc tại tất cả các nhịp, nhiều vị trí mật độ vết nứt xuất hiện dày, đặc biệt tại vị trí song song thanh biên trên giàn chủ…

Theo nhóm nghiên cứu của Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại học Giao thông Vận tải và Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng công trình giao thông 2, qua khảo sát sơ bộ cho thấy mật độ xe và lưu lượng xe quá tải chạy trên mặt cầu Thăng Long rất lớn. Trong khi chất lượng bê tông lớp phủ không đạt yêu cầu, dính bám giữa lớp phủ mặt cầu với mặt cầu thép kém… Do vậy, cần cải tạo mặt cầu thép hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ, với bê tông siêu tính năng cường độ 150Mpa dày tối thiểu 6cm, có kết hợp sử dụng lớp phủ Novabond khoảng 2,5cm trên mặt. 

Áp dụng công nghệ này sẽ đáp ứng được các yêu cầu về mặt kỹ thuật của cầu. Lớp phủ siêu mỏng trên bề mặt cầu cần được nghiên cứu cụ thể, kỹ càng, tránh việc sửa chữa nhiều lần vẫn không khắc phục được những hư hỏng hiện tại. Mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa lớn năm 2009; giai đoạn 2012 - 2013 cũng được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.

Tổng mức đầu tư Dự án sửa chữa cầu Thăng Long là gần 270 tỷ đồng. Hiện nay, Dự án đang trong quá trình mời thầu, cuối tháng 6 kết thúc lựa chọn thầu và bắt đầu thi công từ 1/7. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý 4/2020.

Theo Đời sống
back to top