Khoảng 85% bệnh nhân có 4 tuyến cận giáp, bao gồm 2 tuyến cận giáp trên và 2 tuyến cận giáp dưới. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp có 5 – 6 tuyến cận giáp, hoặc hiếm hơn là 3 tuyến cận giáp.
Thông thường, tuyến cận giáp trên nằm ở mặt sau, phía trên hoặc giữa tuyến giáp, nhưng cũng có thể nằm ở vị trí khác như trung thất, cạnh thực quản, dưới hàm…Tuyến cận giáp dưới nằm ở phía sau, khoảng 1/3 dưới của 2 thùy giáp, hoặc có thể thấp hơn. Tuyến cận giáp có vỏ bọc riêng và tách rời khỏi tuyến giáp. Tuyến cận giáp tiết ra 1 loại hormon gọi là hormon tuyến cận giáp (TCG). Hormon này có tác dụng làm tăng canxi máu và phosphat trong nước tiểu. Hoạt động của hormon chủ yếu diễn ra tại xương, thận và ruột:
- Tại xương, hormon TCG giúp tăng phân phối canxi và photpho vào máu.
- Ở thận, hormon này có tác dụng tăng cường tái hấp thu canxi, từ đó làm tăng lượng canxi lưu hành trong máu.
U tuyến cận giáp (UTCG) có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu ở xuất hiện ở bệnh nhân từ 50 - 70 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc u tuyến cận giáp cao gấp 3 lần nam giới.
UTCG thường đi kèm với hội chứng cường chức năng TCG. Đây là tình trạng tăng tiết hormon tuyến cận giáp quá mức. Khoảng 80 - 85% các trường hợp cường chức năng tuyến cận giáp có liên quan tới u tuyến cận giáp. Một số triệu chứng chính của cường chức năng tuyến cận giáp như:
Tại thận: 80% bệnh nhân cường chức năng tuyến cận giáp bị sỏi thận.
Tại xương: Đau ở các xương dài, cột sống, xương chậu. Có thể xảy ra gãy xương tự nhiên, lâu liền. Răng rụng sớm, biến dạng ở xương xảy ra muộn hơn.
Thần kinh-cơ: Có thể yếu cơ mức độ trung bình hoặc nặng gây khó khăn khi vận động, teo cơ. Đa số bệnh nhân rất mệt mỏi, lo lắng, suy giảm trí nhớ, dễ bị ức chế, stress.
Tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, đau thượng vị, táo bón, có thể loét dạ dày-hành tá tràng.
Xét nghiệm: Canxi máu tăng. Nồng độ hormon cận giáp tăng. Canxi trong nước tiểu/24 giờ tăng.
Bên cạnh chẩn đoán thông qua lâm sàng và các xét nghiệm máu, thì siêu âm là một trong những phương pháp chẩn đoán đầu tay với u tuyến cận giáp, đặc biệt hiệu quả với những trường hợp u có tăng sản, tăng kích thước tuyến cận giáp. Siêu âm có ưu điểm nhanh gọn, rẻ tiền, đánh giá được chi tiết hình ảnh tuyến, tình trạng tăng sinh mạch, các nhánh mạch nuôi của u. Bên cạnh đó, siêu âm còn là phương pháp dẫn đường hiệu quả, giúp chọc hút u tuyến bằng kim nhỏ, đánh giá chi tiết về mặt tế bào học của khối u. Hiện nay, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 còn áp dụng một số phương pháp khác để chẩn đoán u tuyến cận giáp như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc xạ hình tuyến cận giáp. Điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật là 2 phương pháp chính trong điều trị u tuyến cận giáp. Tuy nhiên, điều trị ngoại khoa, phẫu thuật cắt bỏ u tuyến cận giáp vẫn là phương pháp phổ biến và được áp dụng nhiều nhất, giúp ngăn ngừa hiệu quả các biến chứng loãng xương và sỏi thận.
BS Nguyễn Mạnh Hùng (Khoa Chẩn đoán chức năng, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)