Dù các kết nối vệ tinh ngày càng được nhắc đến nhiều, cáp ngầm dưới biển vẫn là phương tiện truyền thông và thương mại chính của toàn cầu. Hệ thống cáp quang biển cung cấp hơn 99% lưu lượng kết nối Internet giữa các lục địa. TeleGeography, công ty theo dõi hoạt động kinh doanh cáp quang cho biết, toàn thế giới hiện có 552 tuyến cáp vượt biển, nhiều tuyến khác vẫn tiếp tục được lên kế hoạch vận hành.
Có một nguy cơ mà chúng ta không cần phải lo lắng là cá mập. Mặc dù có nhiều báo cáo trên phương tiện truyền thông, song cá mập và các loài cá khác, không gây nguy hiểm cho cáp quang biển. Theo Mauldin, "có 0% lỗi cáp do vết cắn cá hoặc cá mập cắn”.
Không phải cá mập hay thiên tai, cáp quang biển sợ nhất là những tác động từ con người. Nó được thiết kế để ngăn nước mặn ăn mòn, nhưng không thể chống lại sự tàn phá của con người. Tàu thuyền là một trong những rủi ro chính khiến cáp bị đứt, đặc biệt ở nơi có mật độ tàu thuyền neo đậu thường xuyên.
TeleGeography cho biết việc lắp đặt cáp ngầm vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, cứ sau khoảng ba ngày lại có một tuyến bị cắt. Thủ phạm chính, chiếm 85% vụ đứt cáp, là thiết bị đánh cá và tàu thuyền neo đậu. Các con tàu thường thả neo để vượt qua cơn bão, nhưng bão lại đẩy thuyền di chuyển liên tục kéo theo neo sắt dưới đáy biển cũng bị xô lệch và va vào cáp quang.
Frank Rey, lãnh đạo hệ thống kết nối mạng siêu tốc của Microsoft, cho biết hầu hết đứt gãy của cáp xảy ra ở khu vực nước nông, gần đất liền. Ở đó, cáp được bọc trong "bộ giáp" kim loại nhưng vẫn không đủ an toàn trước những tác động từ tàu thuyền đánh cá.
Những tác động khác khiến cáp quang gặp sự cố là động đất, lở đất. Biến đổi khí hậu do con người gây ra đang tạo ra nhiều cơn bão cực đoan hơn.
Các nhà khai thác cáp có thể xác định chính xác vị trí cáp bị đứt, nhưng tàu sửa chữa thường phải chờ giấy phép của chính phủ mới có thể tiến hành khắc phục. Rey cho biết trung bình mỗi lỗi cần từ hai đến bốn tuần sửa chữa./.