Bé Nguyễn Văn T. (10 tuổi, Hà Nội), nặng 60kg, thường xuyên bị lên cơn co giật, nôn mửa. Gia đình cho cháu đi khám được chẩn đoán động kinh nhưng điều trị không khỏi, thỉnh thoảng lại tái phát. Vô tình trong 1 lần cấp cứu bác sĩ đo huyết áp cho cháu mới hay cháu bị huyết áp cao, thường xuyên 170/140mmHg, có lúc là 200/150mmHg. Biểu hiện thần kinh của cháu là do nguyên nhân huyết áp cao.
Lời bàn: BS Đặng Trung Thành, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, tăng huyết áp (THA) vẫn được coi là căn bệnh của ở người già, hiếm gặp ở trẻ nhỏ nên nhiều nơi không nghĩ trẻ bị THA ngay cả khi có các triệu chứng của bệnh. Song thực tế, THA ở trẻ đang gia tăng nhanh chóng do tình trạng béo phì.
Điều đáng nói là đa số bệnh nhân tới khám vì một bệnh lý khác như nghi ngờ thần kinh, u não, tim, mạch… nhưng cuối cùng nguyên nhân lại là do THA. Đặc biệt, có không ít trường hợp THA nặng – thường có tổn thương các cơ quan đích như xuất huyết võng mạc, phù gai thị, bệnh não do THA, suy tim, phù phổi, suy thận và tiểu đạm… - có nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Vì vậy, để tránh các tai biến cho trẻ, tốt nhất những trẻ có nguy cơ cao: Béo phì, trong gia đình có người bị cao huyết áp, do u hoặc dùng thuốc, u tuỷ thượng thận... nên đưa trẻ đi kiểm tra huyết áp định kỳ.