Hỏi: Mùa này ngoài chợ bán nhiều cáy nhưng gia đình tôi quen ăn cua, không biết ăn cáy có giàu dinh dưỡng không? Món này nấu cho trẻ em có được không?
Thu Trang (Tam Trinh, Hà Nội)
BS Nguyễn Phan Trúc Nguyên (128 Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu) cho biết, cáy là món ăn quen thuộc với nhiều người dân vùng quê, cũng giống cua, cáy rất giàu protid; lipid; Ca; P; Fe; vitamin B1; B2; PP; B6… Theo Đông y, cáy gần giống con cua, có vị mặn, mùi tanh, tính hàn, hơi độc, tác dụng bổ khí huyết, liền gân xương, thông huyết mạch, trừ nhiệt tà, sang thương huyết ứ. Ăn cáy không những bổ dưỡng mà còn trị được bệnh. Nếu đau tức ngực sườn do huyết ứ có thể dùng cáy nấu canh mướp để trị bệnh. Với trẻ em còi cọc, khó lên cân có thể dùng cáy để bổ khí huyết, dưỡng gân xương, dùng bài canh cáy nấu rau ngót. Để chữa chuột rút, chân tay tê mỏi nấu canh cáy khoai sọ ăn hằng ngày. Mùa hè trẻ hay có mụn nhọt, lở ngứa, dùng phép trị bổ thông khí huyết, thanh nhiệt. Dùng bài canh cáy nấu rau tập tàng. Để chữa đau đầu người ta nấu cáy với hoa bí rất hiệu nghiệm. Người già mùa hè ăn ngủ kém, khó lên cân có thể nấu canh cáy với hoa thiên lý để bổ huyết, thanh nhiệt, an thần; để chữa cảm nắng dùng cáy nấu dưa hường; chữa táo bón dùng rau lang luộc chấm mắm cáy.
TT ghi