Cảnh báo tai nạn thương tích ở trẻ

(khoahocdoisong.vn) - Bé trai 2 tuổi B.Đ.Th.Đ (Cần Giuộc, Long An) được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, với chẩn đoán ngạt nước do té ao. Nhân lúc mẹ dọn dẹp nhà cửa, trẻ đi ra trước nhà chơi, không may té xuống ao nuôi cá.

Luôn có người trông giữ trẻ

Người nhà phát hiện, vớt trẻ lên, xốc nước và đưa đến bệnh viện địa phương trong tình trạng hôn mê, tím tái thở yếu, co gồng, được các bác sĩ cấp cứu đặt nội khí quản giúp thở, chống co giật, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, khi tiếp nhận, trẻ đã lâm vào hôn mê, tím tái, co gồng từng cơn, bọt hồng trào ra nội khí quản. X-quang ngực cho thấy phổi trẻ tổn thương nặng lan tỏa, nên được xử trí thở máy thông số thích hợp, truyền thuốc vận mạch, chống co giật, chống phù não, điều chỉnh nước điện giải, kiềm toan và cho kháng sinh phổ rộng điều trị viêm phổi hít.

Nhân lúc mẹ dọn dẹp nhà cửa, trẻ đi ra trước nhà chơi, không may té xuống ao nuôi cá.(Ảnh bệnh viện)

Nhân lúc mẹ dọn dẹp nhà cửa, trẻ đi ra trước nhà chơi, không may té xuống ao nuôi cá.(Ảnh bệnh viện)

Việc áp dụng các biện pháp dân gian như xốc nước, lăn lu, ấn bụng… đều không có tác dụng cứu trẻ mà còn trì hoãn quá trình cấp cứu ngưng thở ngưng tim, dẫn đến nguy cơ tử vong hoặc cứu sống được trẻ nhưng để lại di chứng não nặng nề về sau. Khi ngưng thở ngưng tim vì ngạt nước, chúng ta ấn tim nơi vùng nửa dưới xương ức xen kẽ thổi ngạt theo tỷ lệ 30:2. Nếu có người hỗ trợ ấn tim, thổi ngạt theo tỷ lệ 15:2, rồi tìm cách đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất”, BSCKII Nguyễn Minh Tiến hướng dẫn.

Một trường hợp khác là bệnh nhi Tr.Th.P. (16 tháng tuổi, Bình Tân, TPHCM) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TPHCM với chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột. Cùng ngày nhập viện, khi đang chơi trước sân, trẻ mon men đến góc nhà thấy chén thức ăn có màu hồng trẻ bóc thức ăn bỏ miệng nhai nuốt.

Sau khi phát hiện, gia đình đã lập tức đưa trẻ nhập viện địa phương sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TPHCM. Qua ghi nhận của các bác sĩ, người nhà đã sử dụng thuốc diệt chuột màu hồng xuất xứ từ Trung Quốc, thành phần gồm hoạt chất Fluoroacetate, trộn với thức ăn để làm bả diệt chuột. Trẻ được rửa dạ dày loại bỏ độc chất, cho uống than hoạt tính để hấp thu độc chất còn sót lại trong đường tiêu hóa, truyền dịch, điều chỉnh điện giải.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi là lứa tuổi chưa ý thức kiểm soát hành động bản thân nhưng thường thích đi quanh nhà để tìm hiểu thế giới xung quanh và thử bất cứ thứ gì trẻ tìm được. Phụ huynh cũng chú ý luôn có người giữ trẻ, đặc biệt khi sử dụng các loại độc chất như đánh bả diệt chuột, để tránh gặp phải tai nạn đáng tiếc, nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa 

BSCKII Nguyễn Minh Tiến còn khuyến cáo thêm, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cũng vừa tiếp nhận một trường hợp trẻ H.P.S. (14 tuổi, nam, cân nặng 60 kg, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) trong tình trạng khó thở tím tái, tay chân lạnh, mặt chi xanh mét, sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, trẻ đau bụng vùng thượng vị (trên rốn), ói khi ăn, người nhà tự mua điều trị các thuốc giảm đau, chống ói, thuốc kháng axit (băng niêm mạc dạ dày). Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, trẻ ói nhiều, ói ra máu tươi 3 lần, đi tiêu ra máu đỏ bầm, trẻ mệt ngất xỉu được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.   

BSCKII Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, viêm loét dạ dày tá tràng ít gặp ở trẻ em nhưng biến chứng xuất huyết tiêu hóa ồ ạt rất nặng nề, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, viêm loét dạ dày tá tràng ít gặp ở trẻ em nhưng biến chứng xuất huyết tiêu hóa ồ ạt rất nặng nề, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Các bác sĩ tại đây ghi nhận trẻ tím tái, khó thở, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp 70/50mmHg, chi lạnh nổi bông tím, da xanh nhợt nhạt. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa. Trẻ được xử trí truyền dịch chống sốc, truyền máu hồng cầu lắng, huyết tương tươi đông lạnh (tổng thể tích máu truyền 1.200ml), bổ sung canxi truyền tĩnh mạch, vitamine K1, bicarbonate và các thuốc đặc hiệu để giảm tình trạng xuất huyết tiêu hóa, đặt ống thông dạ dày... 

Sau đó, trẻ vẫn ra máu tươi. Kết quả nội soi tiêu hóa ghi nhận trẻ bị viêm dạ dày dạng nốt, một số ổ loét… phún máu rỉ rả, nên được chích xơ cầm máu. Trẻ tỉnh, mạch huyết áp ổn định dần không cần truyền máu nữa. Trẻ được tiếp tục điều trị viêm loét dạ dày tá tràng theo chuyên khoa.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, phụ huynh không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ, vì có những thuốc gây viêm loét xuất huyết dạ dày tá tràng, cũng như che lấp những triệu chứng dấu hiệu chỉ điểm bệnh lý gốc. Nên đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm, định bệnh và điều trị thích hợp.

Theo Đời sống
back to top