Cẩn trọng khi xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp và bấm huyệt rất có tác dụng trong phòng và chữa bệnh. Ngoài những bác sĩ chuyên khoa, thầy thuốc Đông y có chuyên môn, bệnh nhân có thể tự xoa bóp bấm huyệt tại nhà hàng ngày với những động tác đơn giản. Tuy nhiên, tự xoa bóp bấm huyệt cần có sự hướng dẫn kỹ của bác sĩ và tránh những tổn thương cơ.

Người cao tuổi có thể tự xoa bóp phòng bệnh.

Xoa bóp, bấm huyệt là một kích thích cơ học, trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh. Đây là hai phương pháp thường được Đông y dùng phối hợp nhuần nhuyễn trong phòng và chữa bệnh, nâng cao sức khỏe.

Để chuẩn bị thực hành xoa bóp, bấm huyệt, tay phải được cắt tỉa móng gọn gàng sạch sẽ, tránh gây trầy xước vùng da day bấm. Có thể nhỏ một giọt tinh dầu, cao sao vàng, dầu gió… xoa hai tay ấm trước khi tiến hành bấm huyệt. Trước khi bấm huyệt, cần tiến hành làm sạch vùng da cần bấm huyệt. Xoa bóp để cơ vùng huyệt mềm mại, tránh tình trạng làm cơ phản ứng đột ngột gây co và tổn thương cơ. Y học đã chứng minh, đối với cơ xương khớp, xoa bóp, bấm huyệt có tác dụng làm giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó.

Theo y học cổ truyền, xoa bóp, bấm huyệt thông qua tác động vào các huyệt, kinh lạc (kinh cân) có thể đuổi được ngoại tà, thông kinh hoạt lạc và điều hòa chức năng tạng phủ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bác sỹ khuyến cáo không được xoa bóp, bấm huyệt nếu nghi ngờ có chấn thương, bong gân, bầm tím có vết thương hở, vùng bị viêm nhiễm tấy đỏ hoặc lở loét. Không xoa bóp bấm huyệt khi vừa uống rượu bia hay khi quá no hoặc quá đói. Khi vừa ăn quá no hoặc quá đói xoa bóp bấm huyệt sẽ không tốt cho dạ dày. Khi vừa uống rượu bia, não bộ, da, mạch máu bị kích thích, không nên thực hiện phương pháp xoa bóp bấm huyệt bởi có thể gây ra các biến chứng không tốt cho sức khỏe.

Những người bị loãng xương, lao cột sống… là những người không được xoa bóp bấm huyệt bởi những động tác mạnh khi bấm huyệt hay xoa bóp có thể gây tổn thương cột sống, bong gân.

Sau khi bấm huyệt mà người thêm mệt mỏi, ê ẩm là do bấm huyệt không đúng cách và không phù hợp bởi người bấm huyệt không có chuyên môn, cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn đúng động tác phương pháp, phòng những tác dụng phụ không mong muốn.

Ths Bs Trần Danh Phương (Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Thể thao Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top