Cẩn thận suy thận do nhiễm trùng đường tiểu nhiều lần

Sau đợt nhiễm trùng tiểu nặng hoặc nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần, 10 - 15% trẻ sẽ bị tổn thương ở thận dưới dạng sẹo thận, có thể dẫn đến suy thận mạn.

Những dị tật gây nhiễm trùng đường tiểu

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, có trường hợp nhũ nhi mới 3 tháng tuổi bị nhiễm trùng tiểu nhiều lần.

z2769679906234_a4641191b96ba293e5509f0724a63e98.jpg
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, dị tật trào ngược bàng quang niệu quản đi kèm là một trong những bất thường hệ tiết niệu thường gặp ở trẻ em. Ảnh tư liệu

Các bác sĩ phát hiện hẹp đường dẫn nước tiểu bẩm sinh (hẹp khúc nối bể thận - niệu quản) nên và đã được phẫu thuật sửa chữa. Sau ca mổ, chức năng thận cải thiện rõ. Tuy nhiên, hơn 1 năm sau mổ, bệnh nhi lại xuất hiện nhiều đợt nhiễm trùng đường tiểu tái phát và hình ảnh X-quang bàng quang niệu đạo lúc tiểu phát hiện dị tật trào ngược bàng quang niệu quản đi kèm. Nếu không điều trị, chức năng thận sẽ bị ảnh hưởng và cuối cùng là suy thận.

Theo TS.BS Ngọc Thạch, đây là một trong những bất thường hệ tiết niệu thường gặp ở trẻ em. Trẻ đôi khi hoàn toàn không có triệu chứng, nhưng phần lớn đến khám vì tình trạng nhiễm trùng tiểu biểu hiện bằng những dấu hiệu như sốt kèm tiểu đau, nước tiểu thay đổi màu sắc.

Khoảng 70% trẻ đáp ứng rất tốt với việc dùng thuốc kháng sinh dự phòng kéo dài kết hợp tái khám định kì mà chưa cần can thiệp phẫu thuật hay thủ thuật. Tuy nhiên, số còn lại không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị nội khoa, khi đó vấn đề can thiệp dao kéo được đặt ra.

Các phương pháp can thiệp có thể bao gồm: Phẫu thuật cắm lại niệu quản, mở bàng quang ra da tạm thời hay một động tác can thiệp mang tính nhẹ nhàng ít xâm lấn hơn là chích chất chống trào ngược.

z2769679663534_d466ea4cc20e7a6d1363bf08c8f5e26e.jpg
Một ca điều chỉnh dị dạng đường niệu cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. 

Trong đó, phương pháp chích chất chống trào ngược cho tỷ lệ thành công cao, kèm theo những ưu điểm như không đường rạch da, kỹ thuật đơn giản, thời gian cuộc mổ ngắn, xuất viện rất sớm vào ngày hôm sau và đặc biệt áp dụng đối với bệnh nhi dưới 12 tháng tuổi. Đây là độ tuổi mà những phẫu thuật xâm lấn khác tiềm tàng biến chứng nặng nề, việc chích chất chống trào ngược dần dần trở thành một lựa chọn trong kỷ nguyên phẫu thuật ít xâm lấn hiện nay.

Bé đi tiểu lắt nhắt, có phải bị nhiễm trùng tiểu?

Theo TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - Trưởng khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, bệnh nhi có sức đề kháng kém hoặc có dị dạng đường niệu thường dễ mắc nhiễm trùng tiểu hơn. Nhiễm trùng tiểu rất nguy hiểm do biến chứng thường gặp là sẹo thận. Sau một đợt nhiễm trùng tiểu nặng hoặc nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần, 10 - 15% trẻ sẽ bị tổn thương ở thận dưới dạng sẹo thận. Sẹo thận có thể gây cao huyết áp và dẫn đến suy thận mạn sau này.

Để có thể nhận biết bệnh, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi, cha mẹ cần tìm những dấu hiệu gián tiếp như sốt không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa, không tăng cân hoặc vàng da kéo dài trong thời kỳ sơ sinh. Ở trẻ lớn hơn, trẻ có thể than tiểu gắt, tiểu lắt nhắt, muốn đi tiểu mà không tiểu được, hoặc trẻ có thể tiểu són. Nước tiểu có thể đục hoặc tiểu máu. Trẻ cũng có thể sốt và than đau bụng, đau hông lưng.

Để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu, ở trẻ nhỏ và trẻ gái, sau mỗi lần đi tiêu tiểu, nên rửa vệ sinh và lau chùi đúng cách. Lau chùi đúng cách có nghĩa là lau chùi từ trước ra sau, chứ không từ sau ra trước, do lổ tiểu ở phía trước và hậu môn nằm phía sau. Động tác làm vệ sinh phải đúng cách để không đưa vi khuẩn từ đường tiêu hoá vào đường niệu. Ngoài ra, các bà mẹ nên thường xuyên kiểm tra tã lót và nên thay tã ngay sau khi bé tiêu tiểu.

Nhịn đi tiểu do e ngại hoặc không có chỗ đi vệ sinh rất nguy hiểm vì nước tiểu gồm các chất cơ thể cần thải ra ngoài, khi bị ứ lại trong bàng quang, các chất này sẽ là môi trường cho vi khuẩn dễ xâm nhập gây nhiễm trùng.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch chia sẻ thêm, không ít phụ huynh có con trong độ tuổi lên 5 thắc mắc rằng con trai hay đi tiểu lắt nhắt. Trong một tiếng đồng hồ, bé đi tiểu nhiều lần, nhưng mỗi lần lượng nước tiểu màu trong, không sốt.

Trẻ nhỏ, dưới năm tuổi, do các hoạt động về thần kinh của bàng quang chưa thực sự hoàn chỉnh, nên dễ bị rối loạn nhu động bàng quang. Do đó, bé hay có những đợt đi tiểu lắt nhắt. Đây không phải là nhiễm trùng tiểu, vì bé tiểu trong và không sốt. Tuy nhiên, bất cứ bất thường nào về đường tiểu, phụ huynh cũng cần đưa trẻ đi khám để làm xét nghiệm nước tiểu và siêu âm kiểm tra.

Bệnh này rất thường bị chẩn đoán nhầm với nhiễm trùng tiểu nên dùng kháng sinh hay kháng viêm, đều không có tác dụng. Nếu như đã có chẩn đoán chính xác là bệnh rối loạn nhu động bàng quang, việc điều trị rất đơn giản: vệ sinh sạch sẽ vùng sinh dục mỗi ngày, cho bé uống nhiều nước và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top