Cần một “chiến lược” quản lý nguồn nhân lực bác sĩ

(khoahocdoisong.vn) - Ở các nước, xu hướng hiện nay là hình thành các bệnh viện nhỏ trong một khối bệnh viện tổng thể. Ví dụ, ở Pháp, một bệnh viện chuyên nhi lớn sẽ có 5 bệnh viện nhỏ với 200 giường để dễ quản lý. Người ta liên lạc, hợp tác với nhau về phương diện chuyên môn chứ không còn về vấn đề hành chính.

Phóng viên KH&ĐS đã trao đổi với PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 2, Cố vấn chuyên môn cho hệ thống y tế tư nhân, xung quanh vấn đề quản trị bệnh viện và giữ nguồn nhân lực đặc thù, bác sĩ.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam (Ảnh tư liệu).

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam (Ảnh tư liệu).

Tam giác trong quản lý bệnh viện: Quy mô, quy trình và nhân sự

Trong nhiều năm làm quản lý tại một cơ sở y tế công lập cũng như cố vấn chuyên môn cho một bệnh viện tư, theo ông, quản trị bệnh viện cần những gì?

Ngay từ đầu chúng ta phải đánh giá quy mô bệnh viện. Nghĩa là lường trước quy mô bệnh viện nhỏ trung bình hay lớn. Có như vậy chúng ta mới ước lượng khả năng điều hành bệnh viện như thế nào, chúng ta định hướng đối tượng phục vụ, tức là bệnh nhân, như thế nào.

Nói đến đối tượng phục vụ này chủ yếu là đề cập đến bệnh viện tư. Còn ở bệnh viện công, chúng ta không thể lựa chọn khách hàng, vì rất nhiều loại đối tượng như bảo hiểm y tế bệnh nhân nghèo…

Sau khi chọn quy mô bệnh viện, định hướng khách hàng chúng ta bắt đầu xây dựng những quy trình. Trước tiên, có thể xây dựng một số quy trình chuẩn cơ bản, sau đó trong quá trình điều hành, lại tiếp tục điều chỉnh và xây dựng quy trình. Quy trình điều hành bệnh viện không phải lúc nào cũng phù hợp giữa các bệnh viện với nhau, vì mỗi cơ sở y tế có một đặc thù rất khác nhau.

Vậy cạnh tam giác còn lại trong quản lý bệnh viện, nguồn nhân lực? 

Chúng ta có thể nhìn lại lực lượng bác sĩ từ bệnh viện công qua các bệnh viện tư thường nằm trong độ tuổi từ 40 đến 50 - 55. Trong độ tuổi này, nhiều bác sĩ đã được môi trường bệnh viện công dày công tôi luyện, nhiều kinh nghiệm khám và điều trị lâm sàng, nhiều mặt bệnh… 

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, khâu phỏng vấn là một bước quan trọng để giữ người, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực cao cấp - bác sĩ.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, khâu phỏng vấn là một bước quan trọng để giữ người, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực cao cấp - bác sĩ. 

Thật sự, đối với phần lớn bác sĩ sự đi hay ở phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thứ nhất thu nhập phải tốt, tùy theo địa vị tùy theo kinh nghiệm, uy tín của bác sĩ. Ngoài ra môi trường làm việc phải thân thiện và hiện đại và có văn hóa giao tiếp trong công sở và cũng nhìn về một hướng.

Tôi thường nói với mọi người: “Đây là nồi cơm chung. Tuy không phải ai trong bệnh viện cũng góp vốn nhưng người góp lửa, góp gạo, kẻ góp nước, góp sức… để cùng nấu nồi cơm đó. Nhiều gạo, cơm chín dẻo, anh em sẽ được chia sẻ chén cơm ngon đầy và ngon hơn.

Vai trò người lãnh đạo rất quan trọng, cứng nhắc quá cũng không tốt, mềm yếu quá cũng không tốt. Người lãnh đạo phải luôn lắng nghe để thấu hiểu. Bản thân tôi cũng đang tham gia quản lý tại một số cơ sở y tế như Cơ sở 2 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hoặc làm cố vấn chuyên môn cho Bệnh viện Quốc tế Minh Anh… Khi có một nhân viên muốn nghỉ việc tôi đã phải gặp gỡ trực tiếp để tìm hiểu nguyên nhân họ muốn nghỉ việc, người ta có buồn gì bệnh viện hay không…

Các bệnh viện quy mô lớn thường có tình trạng gì xảy ra trong quản lý bệnh viện?

Một bệnh viện nhỏ có cái dở là khó xây dựng niềm tin cho bệnh nhân. Còn bệnh viện quá lớn cũng gặp nhiều khó khăn trong quản trị. Do vậy, đôi khi chúng ta cũng khó tránh khỏi trong một số bệnh viện lớn là sự phân chia, cát cứ, lợi ích nhóm…

Cho nên ở nước ngoài, xu hướng không làm những bệnh viện lớn nữa. Người ta lấy các bệnh viện nhỏ trong một khối bệnh viện tổng thể. Ví dụ, ở Pháp, một bệnh viện chuyên Nhi lớn sẽ có 5 bệnh viện nhỏ với 200 giường dễ quản trị. Các bệnh viện này sẽ liên lạc với nhau, không phải vấn đề hành chính, mà chủ yếu là vấn đề chuyên môn.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam. 

Cách đây 1, 2 năm, Hồng Kông (Trung Quốc) dự tính xây dựng một bệnh viện lớn với 800 phòng mổ. Tuy nhiên, sau đó, kế hoạch này bị hủy bỏ vì rất khó quản trị. Bên cạnh đó là nguy cơ rất lớn trong nhiễm trùng bệnh viện. 

Thay vì để một khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Tim mạch người ta có thể thành lập một Viện Phẫu thuật Lồng ngực - Tim mạch khoảng 100 giường đổ lại, dễ quản lý, đầu tư chuyên sâu, tập trung vào người bệnh một cách chuyên nghiệp hơn.

Bạn có thể hình dung một xe container 40, đi lại rất khó khăn, dễ đụng chạm. Nếu chúng ta trang bị một đội ngũ xe tải nhỏ, vận hành tốt hơn, chủ động hơn. Lượng hàng hóa ít hơn nhưng nhiều xe tải nhỏ đi một đoàn.

GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam (bên phải) và PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam.

GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam (bên phải) và PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam.

Nhưng nhiều xe tham gia giao thông quá có vẻ cũng gây ra nhiều ô nhiễm... 

Chúng ta có thể nhìn thấy những mặt trái của nó như có vẻ tốn nhiều nhân công hơn, khí thải, ô nhiễm… Nhưng quan trọng nhất, trong tương lai người ta sẽ cải tiến các phương tiện chuyên chở, giảm phát thải… Trong y tế cũng vậy, các phương tiện chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán hình ảnh, thiết bị phòng mổ… ngày càng hiện đại, rút ngắn thời gian điều trị. Một bệnh viện nhỏ sẽ vận hành hết công suất, dễ quản trị…

Bạn cũng có thể nhìn thấy, những nền y tế ở nước nhỏ như Singapore dễ phát triển hơn.

Bác sĩ là nguồn nhân lực cao cấp

Bác sĩ là một nguồn lực rất đặc thù. Thông thường đó là nguồn nhân lực chất lượng cao nên rất khó quản lý

Đây là nguồn nhân lực cao cấp nên cần một chính sách “mềm dẻo”, về thu nhập, đào tạo, đối nhân xử thế…

Ở nhiều cơ sở y tế công lập, một khoa mỗi năm cho 1 người đi học vì nhiều lý do. Như vậy, lãnh đạo bệnh viện sẽ mất nhân lực. Những người được cử đi học một cách nhỏ giọt ấy nếu về sau không tiếp tục làm nữa, việc bổ nhiệm mới sẽ gặp nhiều khó khăn vì theo các quy định cần có bằng cấp chuyên môn như CKII, TS… nguồn nhân lực tại chỗ có thể không đáp ứng được yêu cầu.

Hoặc người ta xin nghỉ việc để đi học. Khi đã có bằng cấp tốt, bác sĩ xin đâu cũng được. Tôi đã từng gặp nhiều trường hợp, bác sĩ mới ra trường nếu về công tác tại bộ môn phải chờ đến vài năm mới được tiếp tục học.

Còn nếu bác sĩ về làm việc tại một bệnh viện tư, một năm sau người đó đã có thể tiếp tục học lên ThS sau đó làm TS luôn chứ không phải chờ gần chục năm như làm việc tại bộ môn. Thậm chí, vị bác sĩ này xin việc rất dễ dàng sau khi đã có đủ bằng cấp chuyên môn. 

Vậy có vẻ các bác sĩ trong bệnh viện công đang chịu nhiều thiệt thòi?

Xét cho cùng, chúng ta không thể nào làm khác được. Bởi vì, các bác sĩ phần lớn chọn bệnh viện công như “nền tảng” hay “bàn đạp” và tìm kiếm kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Tôi có 18 năm làm ở Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, mổ nhiều ca nặng. Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM là tuyến cuối cùng nên nhiều bệnh nặng được chuyển lên; bệnh nhân đa dạng. Nên sau này khi đứng mổ ở đâu, tôi không e ngại gì.

Bác sĩ trẻ phải dấn thân. Giai đoạn làm ở bệnh viện công là giai đoạn dấn thân. Đến một lúc nào đó, anh có thể ra bệnh viện tư làm việc và tính đến bài toán thu nhập.

Hiện nay, bệnh viện công đã tự chủ tài chính nên có thể cân nhắc về vấn đề thu nhập cho các bác sĩ. Không có gì hoàn hảo 100% giữa được và mất.

Nguyên nhân nghỉ việc của hàng loạt bác sĩ vừa qua tại Bệnh viện Bạch Mai, theo góc nhìn của ông, là gì?

Một trong những nguyên nhân bác sĩ nghỉ việc, không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai mà còn ở một số bệnh viện nữa, là do ngay từ đầu vào, người ta đã làm không chuẩn, như phỏng vấn quá dễ dàng, rồi đưa người quen biết vào... Do chúng ta không chọn lọc được những người đầy đủ phẩm chất nên khi gặp bất cứ sự cố gì của bệnh viện, người ta sẵn sàng ra đi. 

Nếu sàng lọc tốt, chọn được những bác sĩ cùng chung chí hướng, cùng theo đuổi một định hướng phát triển, chúng ta sẽ có những cộng sự tốt. Tôi vì vậy rất thích hình ảnh những người Hàn Quốc trong một công ty, thường đặt tay lên ngực trái và nhìn về một hướng..

Ngoài chuyên môn, phẩm chất đạo đức, người ta còn cảm thấy tự hào khi vào làm việc tại bệnh viện đó. Lúc đó sẽ khác, dĩ nhiên cũng sẽ có người ra đi, nhưng sẽ không đi hàng loạt như thế trong cùng thời gian.  

Xin cảm ơn PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam!

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top