Bây giờ, nhân sâm không còn là của hiếm, nhưng sắc nhân sâm như thế nào cho có hiệu quả nhất vẫn còn là chuyện phải bàn. Thông thường trước khi sắc, nhân sâm phải được cắt thành lát càng mỏng càng tốt. Muốn vậy, nhất thiết phải làm cho nhân sâm mềm ra bằng cách cho củ sâm vào bát hoặc đĩa rồi bỏ vào nồi hấp cách thủy nhỏ lửa sao cho mềm là được.
Sau đó dùng dao mỏng và sắc thái nhân sâm khi còn đang nóng. Trước khi thái nhân sâm nên bôi vào lưỡi dao một chút dầu thực vật đề phòng chất dính trong củ nhân sâm làm mút dao. Không nên thái ngang hay bổ dọc, mà nên nghiêng lưỡi dao 45 độ so với thân củ sâm nằm ngang, như vậy lát cắt mới mỏng và rộng, sợi chất xơ trong lát cắt ngắn, các thành phần hữu ích dễ dàng được chiết xuất ra ngoài khi sắc.
Sắc nhân sâm tốt nhất là dùng loại cốc chuyên dụng có hai nắp. Trước tiên, lấy một nhúm gạo ngâm vào nước. Nước sắc tốt nhất là nước sôi để nguội vì trong quá trình đun sôi đã loại bỏ hết chất khí và khoáng chất hoà tan trong nước, nên nước khá tinh khiết. Nhưng chú ý phải đợi nước thật nguội mới cho vào, để tránh khi lát sâm bị nóng đột ngột một số chất trên bề mặt đông kết lại làm ảnh hưởng đến sự hoà tan của các chất bên trong lát sâm.
Lượng nước đổ vào cốc do mục đích sử dụng khác nhau nên cũng không giống nhau. Thông thường nếu dùng với mục đích tăng cường sức khoẻ, trí não thì nên đổ lượng nước đủ để một người uống hết trong một lần. Sau khi đổ nước vào cốc thì bỏ lát sâm vào và đậy nắp trong, trên nắp trong phủ hai lớp giấy ăn, vảy một chút nước cho giấy ẩm, trên lớp giấy ăn này rắc một lớp gạo đã ngâm từ trước và một chút nước, sau đó đậy nắp ngoài vào, như vậy coi như đã chuẩn bị xong cốc sắc nhân sâm.
Nếu không có cốc chuyên dụng thì có thể cho nhân sâm vào cốc pha trà, lấy một cái đĩa sứ nhỏ đậy lên, trên đĩa lót giấy ăn, rắc gạo ngâm như trình tự trên, sau đó đậy nắp ngoài của cốc lại.
Tiếp đó có thể dùng nồi cơm hoặc nồi cơm điện thông thường để sắc nhân sâm trong cốc. Trước tiên cho lượng nước vừa phải vào nồi, trên mặt nước đặt một cái giá, trên giá đặt một cái bát tô trong có nước và gạo, sau đó đặt cốc đựng nhân sâm vào bát tô, đậy nắp nồi lại là có thể bắt đầu hấp.
Cách sắc này có hai ưu điểm, thứ nhất là nắp trong đã lót giấy ướt và rắc gạo ngâm, vậy nên khi muốn kiểm tra xem canh nhân sâm đã được hay chưa thì chỉ cần quan sát xem gạo trong tô và gạo trên nắp cốc đã chín thành cơm chưa, “cơm chín thì canh cũng được” ; thứ hai, do cốc đựng nhân sâm được bỏ trong bát tô chứa gạo, khi gạo chín thành cơm thì nó sẽ bao bọc lấy cốc, vậy nên cho dù nhiệt độ ngoài cốc lên xuống đột ngột thế nào thì nhiệt độ trong cốc vẫn giữ được ổn định, vì vậy canh sắc nhân sâm cũng đảm bảo được chất lượng tốt nhất
ThS Hoàng Khánh Toàn (Bệnh viện TƯ quân đội 108)