Bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm Whitmore trong thời gian qua, cho biết, vi khuẩn gây bệnh Whitmore có tên khoa họ là Burkholderia pseudomallei là vi khuẩn gram âm có thể nằm trong bùn đất và lây nhiễm thông qua các vết xước. Bản chất của nó không gây ra dịch bệnh mà gây ra các ca bệnh tản phát. Nhưng nó gây bệnh cảnh lâm sàng rất nặng từ nhiễm trùng huyết cho đến những tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương ở phổi. Nó giống như tổn thương của bạch hầu hoặc lao nên các bác sĩ dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán.
Những năm qua chúng ta đã phát triển được những bộ kít để chẩn đoán Whitmore được tốt hơn nên việc phát hiện được các ca bệnh nhiều hơn. Những người cơ địa yếu, sức kháng kém như người bị HIV, mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, viêm gan, những người nghiện rượu lâu năm các tế bào gan đã bị tổn thương, người có các bệnh mạn tính về phổi và thận....cần chú ý đối với những với xước, tránh để tiếp xúc với bùn đất, yếu tố môi trường gây bệnh để tránh bị nhiễm bệnh.
Đối với những người có sức đề kháng cao, sức khỏe tốt, trong lao động nếu không may có vết chày xước cũng cần phải được cách ly với môi trường bùn đất đến khi vết thương đã lành và khỏi hẳn để tránh lây bệnh.
TS Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, dù vi khuẩn B. pseudomallei được Chính phủ Mỹ liệt vào danh sách vũ khí sinh học tiềm năng và còn nguy hiểm hơn virus SARS bởi tỷ lệ tử vong của bệnh cao gấp 3 lần và các loài động vật như cừu, dê, ngựa, lợn, trâu bò, chó và mèo có thể nhiễm vi khuẩn này và truyền bệnh sang người... nhưng chúng ta cũng không nên lo lắng, bởi bệnh này có thể phòng ngừa được.
Theo TS Trung, để phòng ngừa bệnh cách tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với bùn, đất hoặc các vùng nước có khả năng bị ô nhiễm. Đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ. Rửa tay, chân thường xuyên đặc biệt sau khi ra ngoài về; Xịt khuẩn và giữ vệ sinh môi trường xung quanh. Đi đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất khi có các triệu chứng như sốt cao, viêm phổi, áp xe, nổi cục nhiễm trùng ở các vùng khác nhau trên cơ thể...
Duy trì điều trị để tránh tái phát
Theo TS Trịnh Thành Trung, bệnh Whitmore có thể điều trị khỏi được chẩn đoán sớm và đúng. Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào nuôi cấy vi khuẩn, xét nghiệm huyết thanh... Bệnh phẩm bao gồm máu, đàm, phết họng, phết trực tràng, phết tổn thương da và vết loét, dịch áp xe... kèm theo chụp X-quang, CT... để xác định các tổn thương áp xe thực thể: phổi, tuyến tiền liệt, lách, thận, gan, não...
Khi đã xác định đúng bệnh thì tất cả các trường hợp, ngay cả bệnh nhẹ đều được điều trị bằng kháng sinh với liệu pháp tấn công trong ít nhất 2 tuần bằng đường tĩnh mạch. Đối với trường hợp nặng như bệnh phổi lan tỏa, ổ áp xe sâu hoặc áp xe nội tạng, viêm xương tủy, viêm khớp mủ hoặc viêm não tủy....thời gian điều trị ít nhất 14 ngày hoặc 4 - 8 tuần. Sau điều trị tấn công người bệnh phải tuân thủ điều trị duy trì bằng đường uống trong ít nhất 3 - 6 tháng.
TS Nguyễn Thành Trung cảnh báo, nhiều người ra viện khỏi bệnh bỏ điều trị duy trì dẫn tới tái phát. Đa số bệnh nhân tái phát do thất bại với điều trị duy trì hơn là nhiễm mới.
“Tháng 10 này, chúng tôi sẽ tổ chức Hội thảo Toàn cầu lần thứ 9 về bệnh Whitmore tại Hà Nội. Đây là sự kiện khoa học lớn nhất của cộng đồng các nhà khoa học nghiên cứu về bệnh Whitmore trên toàn thế giới. Đây là cơ hội tuyệt vời để nhiều nhà nghiên cứu cũng như các bác sĩ của Việt Nam tiếp cận với các kiến thức khoa học mới nhất của thế giới về bệnh Whitmore.” – TS Nguyễn Thành Trung thông tin