Cách phòng ngừa viêm da cơ địa mùa đông

Viêm da cơ địa là bệnh dễ tái phát khi thời tiết thay đổi, không chỉ gây ra những tác động tiêu cực về mặt thẩm mỹ, mà còn ẩn chứa nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. 

Theo ThS.BS Thẩm Thị Thanh Nga, Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, viêm da cơ địa là một trong những vấn đề da liễu phổ biến, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Bệnh dễ tái phát gây ngứa, khiến người bệnh chỉ muốn gãi mạnh. Nếu không kiểm soát được, những vết gãi sẽ tạo thành những vết thương bị nhiễm trùng khiến bệnh càng nặng thêm.

Nhiều yếu tố gây bệnh nên cần phải phòng ngừa

Các bác sĩ khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, viêm da cơ địa là bệnh lý rất thường gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, bệnh hay tái phát gây ảnh hưởng đến công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa chưa được giải thích rõ ràng, nhưng có một số yếu tố được cho là có vai trò chính trong căn sinh bệnh học, bao gồm: Yếu tố di truyền; Rối loạn miễn dịch; Nhiễm trùng; Hàng rào bảo vệ da bị tổn thương.

Viêm da cơ địa là một gánh nặng cho người bệnh và gia đình vì bệnh có tần suất cao, tiến triển dai dẳng, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc phòng bệnh viêm da cơ địa góp phần quan trọng trong quản lý bệnh, giảm thiểu gánh nặng điều trị. Các biện pháp phòng ngừa viêm da cơ địa:

- Loại bỏ các yếu tố kích thích.

- Thuốc lá: có trong không khí ô nhiễm môi trường làm tăng nguy cơ tái phát và nặng thêm viêm da cơ địa.

- Mạt bụi nhà: thường thấy ở đệm trong phòng ngủ. Nên vệ sinh đệm , phòng ngủ thường xuyên. Với đệm có thể bọc lại để tránh phát tán mạt bụi nhà ra không khí

- Lông động vật: đặc biệt là mèo có thể làm tăng nguy cơ và nặng thêm viêm da cơ địa đặc biệt là trẻ nhỏ.

- Quần áo: từ vải tổng hợp như nylon, polyester làm giảm thoát mồ hôi có thể làm nặng thêm viêm da cơ địa. Quần áo từ lông động vật, len cũng dễ gây dị ứng nên tránh. Nên chọn quần áo từ cotton.

- Thức ăn: Một số loại thức ăn có thể gây dị ứng làm tái phát viêm da cơ địa: trứng gà, sữa bò, lạc, đỗ, hạnh nhân…

- Dưỡng ẩm cho da là một bước đặc biệt quan trọng trong điều trị và phòng ngừa tái phát viêm da cơ địa, cả trong giai đoạn bệnh cấp và mạn. Khi dưỡng ẩm da, người bệnh cần lưu ý:

Lựa chọn chất dưỡng ẩm phù hợp với từng cá nhân, vị trí tổn thương và mức độ khô da.

Nên sử dụng ít nhất 2-3 lần/ngày, tăng số lần nếu da khô nhiều.

Sử dụng duy trì hàng ngày dù không có triệu chứng.

Tắm sữa tắm: Người bệnh không nên tắm bằng các loại lá cây, hay các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Nên lựa chọn các loại sữa tắm có chất dưỡng ẩm, ít kích ứng, không có chất tạo mùi. Tắm ở nhiệt độ 27- 30°C, không nên tắm nước quá nóng.

Bệnh nhân viêm da cơ địa bị nhiễm trùng do điều trị sai cách

Bệnh nhân viêm da cơ địa bị nhiễm trùng do điều trị sai cách

Phương pháp điều trị viêm da cơ địa hiệu quả

Do chưa có phương pháp đặc trị viêm da cơ địa nên bệnh nhân có thể phải thử nhiều phương pháp khác nhau, dùng đơn lẻ hoặc kết hợp mới đem lại hiệu quả. Thời gian chữa khỏi bệnh có thể vài tháng hoặc kéo dài nhiều năm, sau điều trị vẫn cần điều trị phòng ngừa để ngăn bệnh tái phát.

Các trường hợp bệnh mới khởi phát, triệu chứng nhẹ, trước khi uống thuốc, bôi thuốc, người bệnh có thể thử các phương pháp đơn giản như tắm nước ấm, dưỡng ẩm, không gãi, dùng chất làm sạch dịu nhẹ, mặc trang phục thoải mái, nghỉ ngơi hợp lý, giảm căng thẳng, dùng máy tạo độ ẩm.

Khi các biện pháp chăm sóc tại nhà không hiệu quả, bác sĩ sẽ xem xét sử dụng thuốc uống, thuốc bôi hoặc thuốc tiêm để giảm triệu chứng như sử dụng kem, thuốc mỡ chữa corticosteroid, kem kháng sinh, thuốc trị viêm…

Khi dùng thuốc trị không đem lại kết quả tốt, một số liệu pháp chữa viêm da cơ địa có thể được xem xét như: Liệu pháp ánh sáng, băng ướt, liệu pháp tâm lý…

Điều trị viêm da cơ địa cần có sự chăm sóc, hỗ trợ từ nhân viên y tế. Việc tự ý áp dụng các phương pháp chữa bệnh tại nhà khi gặp các vấn đề về viêm da cơ địa có thể mang lại những kết quả không như mong đợi, thậm chí gây hậu quả nặng nề hơn cho sức khỏe.

Viêm da cơ địa là một bệnh lý phức tạp, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, và cần có sự đánh giá chuyên sâu từ các bác sĩ chuyên khoa da liễu. Vì vậy, khi gặp các vấn đề về viêm da cơ địa, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế.

Tại đây, bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra cần thiết, xác định nguyên nhân cụ thể và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp nhất dựa trên tình trạng sức khỏe và đặc điểm cá nhân của người bệnh. Điều này giúp đảm bảo một hành trình chăm sóc hiệu quả và an toàn, đồng thời giảm nguy cơ phát sinh những vấn đề khó lường khi tự ý áp dụng các biện pháp điều trị không có sự giám sát chuyên nghiệp.

Theo Đời sống
Ai không nên ăn chôm chôm?

Ai không nên ăn chôm chôm?

Chôm chôm là trái cây nhiệt đới thơm ngon, chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số người được khuyến cáo hạn chế hoặc không nên ăn chôm chôm vì có thể đe dọa sức khỏe.
back to top