Nghệ thuật khởi tạo “phòng trung”
Trong y học cổ truyền, tình trạng suy giảm ham muốn và khoái cảm tình dục ở phụ nữ thuộc phạm vi các chứng “nữ tử âm nuy”, “âm lãnh”..., có liên quan chủ yếu đến hai tạng phủ quan trọng là thận và can. Những nguyên nhân như tà khí xâm nhập (chủ yếu là hàn tà), bẩm thụ tiên thiên không đầy đủ, lao lực quá độ, sinh hoạt tình dục thái quá, mắc các bệnh mạn tính, căng thẳng tâm lý nhiều và kéo dài (tình chí uất kết)...đều dẫn đến tình trạng thận dương hư nhược hoặc can mất khả năng sơ tiết khiến cho dương khí không đủ hoặc không đến được để nuôi dưỡng và làm ấm âm bộ nên dẫn đến tình trạng suy giảm ham muốn và khoái cảm tình dục ở phụ nữ.
Để khắc phục, theo quan niệm của y học cổ truyền, trước hết vai trò của nam giới trong việc nắm và thực hành thật tốt nghệ thuật khởi tạo “phòng trung”cho nữ giới đặc biệt quan trọng. Sách Tố nữ kinh khuyên: “Trong bất cứ chuyện nào, nguyên lý âm dương cũng đều phải tương ứng tương sinh. Nữ nhân không được nam nhân kích thích thì làm sao mà bộc khởi cường lực được”. Nhưng kích thích như thế nào cho có hiệu quả thì nhất thiết “phải có sự dẫn dắt tuần tự và tự nhiên” trong tâm trạng “tâm bình khí hoà, tình tự an định” (không quá bồn chồn, vội vã).
Hơn nữa, cũng theo Tố nữ kinh, trong chuyện này “chẳng người nào giống người nào, người mau, người chậm, người nóng, người lạnh... Điều cốt yếu là nam nhân phải coi “nữ nhân như ngoã thạch”, ý muốn nói phải nhẹ nhàng nương tay, đừng mạnh bạo quá mà làm gạch tan ngói vỡ. Nữ nhân có “xuân tình bộc phát” hay không phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật “khởi tạo phòng trung” của nam nhân.
Lựa chọn thuốc phải phù hợp
Nếu liệu pháp tâm lý tỏ ra ít hoặc không có hiệu quả thì việc tiến hành các biện pháp trị liệu khác mang tính tổng hợp của y học cổ truyền như dùng thuốc, châm cứu, bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh và sử dụng các món ăn - bài thuốc là rất cần thiết. Việc dùng thuốc uống trong nhất thiết phải được chỉ định bởi các thầy thuốc chuyên khoa.
Theo y học cổ truyền, tình trạng bệnh lý này cũng có nhiều thể loại khác nhau như Khí huyết khuy hư, Can khí uất kết, Thận tinh hư tổn, Thận dương suy nhược…nên việc lựa chọn các bài thuốc và vị thuốc cho thật phù hợp là rất quan trọng.
Với thể Can khí uất kết được biểu hiện bằng các triệu chứng như rất khó chịu khi sinh hoạt tình dục, tâm trạng luôn bức bối, dễ cáu giận, hay thở dài, ngực bụng có cảm giác đầy tức, kinh nguyệt không đều, hay đau bụng kinh, trước và sau kỳ kinh bầu vú căng trướng nhiều, âm đạo khô ráp…thì phải dùng bài thuốc có tác dụng sơ can giải uất như Sài hồ sơ can thang mới có hiệu quả tốt.
Với thể bệnh Thận dương suy nhược, biểu hiện bằng các triệu chứng như giảm sút ham muốn tình dục, tay chân lạnh, sợ lạnh, lưng đau gối mỏi, kinh nguyệt lượng ít sắc nhợt, ăn kém, đại tiện lỏng nát, mạch trầm vô lực... dùng bài thuốc có dâm dương hoắc 30g, xuyên tiêu 10g, đẳng sâm 15g, sắc kỹ, lấy nước bỏ bã, ngâm rửa âm hộ chừng 20 phút, mỗi ngày 1 lần, 7 lần là một liệu trình.
Ngoài ra, việc tích cực tập luyện khí công dưỡng sinh và thực hành tự day bấm một số huyệt vị châm cứu cũng rất có ý nghĩa. Với các thể Khí huyết khuy hư, Thận tinh hư tổn và Thận dương suy nhược, hằng ngày nên tự day bấm các huyệt như: Khí hải (ở giao điểm giữa 3/10 trên với 7/10 dưới đường nối rốn và điểm giữa bờ trên xương mu); Quan nguyên (ở giao điểm giữa 3/5 trên với 2/5 dưới đường nối rốn và điểm giữa bờ trên xương mu); Trung cực (ở giao điểm giữa 4/5 trên và 1/5 dưới đường nối rốn và điểm giữa bờ trên xương mu) và Tam âm giao (ở trên mắt cá chân trong 4 khoát ngón tay, ngay sau bờ trong xương chày).
ThS Hoàng Khánh Toàn
(Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền Bệnh viện TƯQĐ 108)