Đi tiểu nhiều khi có thai là chuyện bình thường, nhất là khi mang thai ở tháng thứ 6 trở đi. Nguyên nhân là do sự tăng thể tích máu kịch phát khi có thai dẫn đến nhiều dịch lan khắp cơ thể, cuối cùng thải vào bàng quang khi tử cung lớn lên. Lúc này, có thể cảm giác được tử cung đang bị ép vào bàng quang.
Có thể giảm bằng cách tránh các chất lợi tiểu như cà phê, trà, rượu. Tránh uống nước sau 4 giờ chiều. Một cách khác có thể áp dụng, đó là khi đi tiểu, cúi người về phía trước để đi thật hết, tức là phải làm rỗng bàng quang một cách triệt để. Tuy nhiên với cách này chỉ giảm phiền toái được một chút thôi. Nếu đang đêm phải đi tiểu nhiều lần thì hãy coi đó là một cách luyện tập bản thân, vì khi em bé ra đời, sẽ khó có một đêm ngủ trọn vẹn.
Nếu đau, buốt khi đi tiểu hoặc mỗi lần đi tiểu chỉ được vài giọt, có thể bạn đang gặp vấn đề. Những biểu hiện đó có thể là của bệnh nhiễm trùng tiết niệu, trong đó nhiễm khuẩn tiết niệu do vi khuẩn là phổ biến. Nếu không điều trị, có thể bị nhiễm trùng thận, đẻ non hoặc cả hai.
Nhiều người mắc chứng “són tiểu do căng thẳng” trong khi có thai, nghĩa là có thể bị “són” khi ho, cười, hắt hơi, khi nhấc vật nặng hoặc làm một số động tác thể dục... Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở ba tháng cuối của thai kỳ. Có thể tránh được chứng này nếu không để bàng quang quá căng, vì thế khi mót tiểu là bạn phải khẩn trước đi ngay. Tập thể dục để làm vững chắc các cơ của đáy chậu hông, tập luyện cơ tầng sinh môn sớm từ trước hoặc sau khi sinh có thể làm giảm chứng này (có thể áp dụng phương pháp này đến suốt đời). Nếu cần thiết, có thể đóng băng vệ sinh mỏng.
Có thể mong chờ tình trạng tiểu tiện thường xuyên này sẽ mất đi ngay sau khi sinh bé. Tất nhiên, vài ngày sau khi sinh, vẫn còn đi tiểu nhiều, thậm chí nhiều lần hơn vì cơ thể lúc này cần thải bớt tình trạng quá nhiều dịch còn tồn tại trong cơ thể khi có thai. Sau đó, sẽ trở lại hoàn toàn bình thường như trước khi có thai.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)