Các huyệt có tác dụng trị bệnh đường tiêu hóa, tiết niệu

(khoahocdoisong.vn) - Trong Đông y, công năng của các huyệt vị là huyệt tính, có tác dụng trị liệu giống như các vị thuốc. Vì vậy, khi biết huyệt tính của một huyệt vị thì từ đó cũng thấy được phạm vị trị liệu của huyệt vị đó.

Nếu không may bị mắc các bệnh đường tiêu hóa, tiết niệu... tùy theo biểu hiện bệnh mà có thể dùng ngay các huyệt công năng để trị liệu như sau:

Huyệt chỉ ẩu, thôi ẩu: Huyệt vị chỉ ẩu (cầm nôn) và thôi ẩu (gây nôn) là hoàn toàn tương đồng. Các huyệt thường được dùng gồm: Nội quan, trung quản, thiên đột, kiến lý, tỳ du, vị du, cách du, túc tam lý, công tôn... Tùy theo bệnh tình cụ thể mà vận dụng các thủ pháp khác nhau, chỉ ẩu thủ pháp thường nhẹ, thôi ẩu thủ pháp thường mạnh. Đối với chứng ách nghịch, các huyệt vị trên cũng có hiệu quả khá tốt.

Huyệt kiện vị tiêu thực: Là những huyệt vị có tác dụng trợ giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Thường dùng gồm: Trung quản, kiến lý, lương môn, thiên khu, tỳ du, vị di, nội quan, công tôn, túc tam lý, tam âm giao... Thủ pháp thông dụng là châm, day bấm hoặc gõ kim mai hoa, nếu kết quả hạn chế có thể cứu hoặc giác.

Huyệt chỉ tả, thông tiện: Huyệt vị chỉ tả (cầm ỉa chảy) và thông tiện (chống táo bón) là hoàn toàn tương đồng. Thường dùng gồm: trung quản, thiên khu, đại hoành, túc tam lý... Thông tiện có thể gia thêm chi câu, phong long, chiếu hải, nội đình, dùng châm hoặc day bấm. Chỉ tả có thể gia thêm quan nguyên, tỳ du, tế trung, tam âm giao, khổng tối, dùng kết hợp châm cứu và giác. Đối với chứng “ngũ canh tả” có thể dùng cứu hoặc hỏa giác quan nguyên, khí hải, mệnh môn, thận du, tam âm giao, túc tam lý.

Huyệt lợi tiểu, tiêu thũng: Thường dùng các huyệt trung cực, quan nguyên, khí hải, tề trung, thủy phân, phế du, tỳ du, thận du, liệt khuyết, tam âm giao, ủy trung, ủy dương... Thực chứng thì dùng châm, day bấm hoặc gõ mai hoa. Hư chứng thì châm và cứu kết hợp quan nguyên, khí hải, tề trung, thủy phân, phế du, tỳ du, thận du, tam âm giao. Với trung cực và tề trung có thể dùng liệu pháp dán thuốc (xạ hương, hành giã trộn rượu, tỏi giã...).

Huyệt lý tỳ điều kinh: Là những huyệt có tác dụng điều hòa kinh nguyệt. Thường dùng gồm: Quan nguyên, khí hải, thiên khu, cách du, can du, tỳ du, thận du, hợp cốc, thái xung, huyết hải, tam âm giao, ẩn bạch, đại đô. Thực chứng chỉ châm không cứu, hư chứng nên kết hợp châm và cứu. Thiên khu, hợp cốc, thái xung và đại đô chỉ dùng thực chứng, các huyệt khác thường dùng cho chứng hư.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top