Các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật

Việt Nam ước tính mỗi năm tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Chủ yếu do bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong khi đối phó với các bệnh truyền nhiễm truyền thống và mới nổi phức tạp như Covid-19, Việt Nam cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.

cham-soc-cho-bn.jpg
Trong khi đối phó với các bệnh truyền nhiễm truyền thống và mới nổi phức tạp như Covid-19, Việt Nam cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đa số những người tử vong do bệnh dịch Covid-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác.

Bên cạnh đó, nước ta cũng đang phải giải quyết gánh nặng do các rối loạn sức khỏe tâm thần gây ra. Ước tính khoảng 15% dân số (tương đương 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra các nhiệm vụ quan trọng trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm theo Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 có 95% và đến năm 2030 có 100% số trạm y tế xã triển khai dự phòng và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm.

img_4237.jpg
45% nam giới trưởng thành ở Việt Nam hút thuốc lá. Ảnh: Tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM.

Theo GS.TS.BS Trần Văn Thuấn, cùng với môi trường và thói quen sống, các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang ở mức cao và có chiều hướng gia tăng.

Theo số liệu điều tra, 45% nam giới hút thuốc lá; 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại.

Chế độ ăn của hơn một nửa số người trưởng thành Việt Nam thiếu rau xanh và trái cây trong khi người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực. Thừa cân béo phì tăng trung bình 1%/năm.

Theo Đời sống
back to top