Trăm triệu lít rượu “lủi”, nhiều người mất mạng vì ngộ độc

80% lượng rượu trên thị trường không được dán tem thuế, tức là khoảng 250 - 300 triệu lít rượu trôi nổi kém chất lượng không kiểm soát được. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp tử vong gần đây do ngộ độc rượu.

Theo quy định, hàm lượng methanol trong rượu chỉ khoảng 0,1%. Nghĩa là cứ 1.000ml rượu mới có 1ml methanol. Liều lượng gây chết người của methanol trong khoảng 30 - 240ml (20 - 150g). Một cách xác định khác cho thấy, chỉ cần 20mg methanol/l trong máu là gây ngộ độc và trên 40mg/l là ngộ độc nặng.

Gần 50% trường hợp nhập viện tử vong do ngộ độc rượu

Ghi nhận của Khoa học và Đời sống, trong tháng 9 - 10/2021, trên toàn địa bàn TPHCM, gần 20 ca nghi ngờ ngộ độc rượu được nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Thống Nhất. Trong đó, tỷ lệ tử vong gần 50%.

Đặc biệt, 2 vụ ngộ độc rượu công nghiệp tập thể cũng đã xảy ra trên địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) khiến 17 người phải cấp cứu, trong đó 3 trường hợp tử vong. Công an tỉnh và Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp điều tra và xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

ngo-doc-ruou-dieu-tri-o-bv-dk-dong-nai.jpg
Một ca ngộ độc rượu ở Đồng Nai. Ảnh tư liệu 

Trao đổi với phóng viên, BSCKII Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cảnh báo, hàm lượng methanol có trong rượu uống về nguyên tắc phải thấp hơn 0,1%. Tuy nhiên, khi tiến hành xét nghiệm độc chất của các bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu, có trường hợp nồng độ methanol trong máu tăng đến 209,42mg/dL.

Nếu sau khi uống rượu có các triệu chứng bất thường như đau đầu, khó thở cần nhập viện điều trị để giảm thiểu những biến chứng nghiêm trọng.

Trong khi đó, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM đã gửi công văn đến UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, yêu cầu rà soát tình hình ngộ độc rượu, từ tháng 7/2021 đến nay; tiến hành điều tra truy xuất nguồn gốc và xử lý nếu các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm.

TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất rượu, đặc biệt là cơ sở sản xuất theo hình thức thủ công.

can-ruou-nep.jpg
Trăm triệu lít rượu “lủi” như thế này đã khiến nhiều người mất mạng vì ngộ độc

PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM kêu gọi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, xuất xứ.

Phải có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp

Tại Việt Nam, rượu tự nấu được ưa chuộng nhất vì giá thành rẻ, hợp khẩu vị, dễ mua và lợi nhuận cao.

Theo một thống kê của Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), 80% lượng rượu hiện nay trên thị trường không được dán tem thuế. Tức là khoảng 250 - 300 triệu lít rượu trôi nổi kém chất lượng không kiểm soát được.

Việc sản xuất rượu thủ công của các hộ dân không được đảm bảo vệ sinh, người dân còn thiếu nhiều kiến thức về các chất độc và cách loại bỏ tạp chất có trong rượu, có khi còn trộn rượu nước đầu, nước cuối và cồn công nghiệp (methanol) với nhau để tăng nhanh số lượng.

Nồng độ methanol trong cồn 100 độ cho phép là 300mg/lít (theo TCVN 7044-2013). Nếu pha 1 lít cồn thành 3 lít rượu có nồng độ 33%, hàm lượng methanol trong rượu là 100mg/lít rượu, vượt ngưỡng gây ngộ độc và tử vong.

hang-loat-ca-ngo-doc-nhap-bv-nguyen-tri-phuong.jpg
Nhiều ca ngộ độc rượu methanol đã nhập viện điều trị. Ảnh chụp tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Trong một đề tài tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành kỹ thuật môi trường, Đại học Công nghệ TPHCM (Hutech) về “khảo sát hàm lượng độc chất methanol trong rượu trắng tại TPHCM” cho thấy, những mẫu rượu được mua tại các quán nhậu, thường có chất lượng kém, có hàm lượng methanol gấp 3 - 10 lần tiêu chuẩn cho phép.

Về nguyên tắc quản lý rượu, Luật sư Trần Hoàng Diệu, Luật sư  TPHCM cho biết, theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã.

Trường hợp thương nhân muốn tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ phải có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định.

Luật sư Hoàng Diệu cũng cho biết, theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ hoặc kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ mà không đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện theo quy định.

Dịch bệnh không cản được người Việt tiêu thụ rượu, bia

Theo kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, lượng tiêu thụ rượu, bia của người Việt tăng từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Nghĩa là, bình quân năm 2020, mỗi người Việt Nam tiêu thụ tới 15,6 lít rượu, bia.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top