Kiểu thở chúm môi
Bước 1: Mím môi và hít vào bằng mũi trong hai nhịp giữ 3 - 5 giây nếu không khó thở sau khi hít vào. Thực hiện nhiều lần.
Bước 2: Chúm môi như đang thổi sáo và thở ra từ từ bằng miệng trong 4 nhịp. Thực hiện nhiều lần.
Kiểu thở chúm môi. |
Tác dụng: Khí bị nhốt trong phổi làm cho người bệnh khó thở; đẩy được lượng khí cặn ứ đọng trong phổi ra ngoài mới có thể hít được không khí trong lành. Thở chúm môi là phương pháp giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra nên khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
Kiểu thở bụng
Một tay đặt lên ngực một tay đặt lên bụng (để cảm nhận di động của ngực và bụng). Hít vào bằng mũi (mím môi), bụng phình ra (tay ở bụng đi lên). Thở từ từ bằng miệng (môi chúm lại giống như thổi sáo), bụng xẹp xuống (tay ở bụng đi xuống). Hít vào 1 - 2 nhịp thở, thở ra 1-2-3-4 nhịp thở (lúc thở ra gấp đôi lúc hít vào 3). Thực hiện từ 10 – 15 lần.
Kiểu thở bụng. |
Cách thở bụng này giúp khí trụ tại đan điền, Khí hải tạo nội lực trầm hùng, thần trí ung dung, hơi thở điều hòa. Việc hít sâu đưa khí xuống bụng, các phế nang ở ngực được căng đầy ở 1/3 đáy phổi làm tăng dung tích chứa khí (dung tích thở). Mặt khác khi phình, thót bụng nâng hạ cơ hoành sẽ tạo ma sát nội bên trong làm cho tạng phủ vận động khỏe mạnh và tránh trệ khí.
Kiểu thở ngực kết hợp tay
Bước 1: Người bệnh đưa tay lên cao mở rộng lồng ngực kèm hít vào. Có thể giữ hơi thở lại khoảng 3 - 5 giây nếu như không gây khó thở.
Bước 2: Người bệnh đưa tay xuống kèm thở ra bằng phương pháp chúm môi.
Tác dụng: Động tác hít thở thực hiện được nhờ hoạt động co cơ của các cơ ở lồng ngực, vai, cổ và hoạt động của cơ hoành. Do tình trạng ứ khí trong phổi nên lồng ngực bị căng phồng làm hạn chế hoạt động của các cơ. Bài tập này giúp tăng cường hiệu quả của động tác hô hấp và tiết kiệm năng lượng.
Khi hít vào và thở ra không cần gắng sức quá mức, kết hợp động lực động tác thở chúm môi với thở bụng hoặc thở ngực kết hợp tay vào trong một lần hít thở và nên luyện tập thường xuyên ít nhất 3 lần/ngày, mỗi lần 5 - 10 phút 2 động tác này có thể thực hiện lúc ngồi hoặc nằm, khi nằm luôn đặt gối vào dưới đầu và dưới kheo để chân hơi co.
Lương y Hoàng Duy Tân (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)