Cà tím chống lão suy, trị bệnh gan mật

Cá tím không chỉ mát gan, nhuận tràng, kích thích bài tiết mật, phòng xơ vữa động mạch, tai biến mà còn chữa được tiểu tiện ra máu, lỵ ra máu, phòng xuất huyết và lão suy…
cà tím

Cà tím cũng là một vị thuốc.

Cà tím được trồng khắp nơi ở nước ta để lấy quả làm thức ăn và còn được dùng làm thuốc. Thu hái vào tháng 3 và tháng 5 với hình dáng và kích cỡ khác nhau.

Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g quả cà tím có: 92,5g nước; 1g protein; 4,5g gluxit; 1,5g chất xơ… cùng các chất khoáng như: phốt pho 15mg, magiê 12mg, canxi 15mg, kali 22mg, natri 15mg, 16mg, sắt 0,5mg, mangan 0,2mg, kẽm 0,2mg, đồng 0,1mg, iod 0,002mg, các vitamin như caroten (tiền vitamin A) 0,04mg, vitamin B1 0,04mg, vitamin B2 0,35mg, vitamin C 6mg, vitamin PP 0,6mg, và chất nhầy hay cellulose…

Ngoài công dụng làm thức ăn, quả cà tím còn được dùng làm thuốc từ lâu đời với công dụng mát gan, nhuận tràng, kích thích sự bài tiết mật và lách, thông tiểu tiện. Tác dụng quan trọng nhất là trị các bệnh gan mật, sau đó là điều hòa tiêu hóa.

Sách Trung dược học bản thảo cho biết, cà có tác dụng hoạt lợi (nhuận trường), lợi tiểu, trị thũng, thấp độc, trừ hòn cục trong bụng (chưng hà), chứng lao truyền, ôn bệnh trong 4 mùa (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa).

Tán huyết tiêm viêm, chỉ thống…Trong sách Thực kinh viết: Cà có tác dụng làm đầy da thịt, ích khí lực, chữa cước khí… cùng nhiều chứng bệnh.

Ngày nay người ta còn nhận thấy, do có nhiều chất nhầy nên cà tím còn có hấp thụ cholesterol và muối mật. Bởi vậy những người có cholesterol mỡ máu cao ăn cà tím sẽ có tác dụng dự phòng chứng xơ vữa mỡ động mạch.

Cà tím cũng làm giảm lượng urê trong máu và dùng phụ trị bệnh thống phong (gút). Do có nhiều kali, cà tím còn có thể dùng với mục đích nhuận tràng cho người đang điều trị các thuốc chống loạn nhịp tim và thuốc lợi tiểu lâu dài mà không bị tai biến do thiếu kali máu.

Ngoài ra, quả cà tím còn có khả năng sinh nhiệt thấp là món ăn rất tốt đối với những người béo phì. Một số tài liệu còn cho rằng, căn cứ vào một số báo cáo khoa học thì trong quả cà tím có chứa vitamin E có thể dùng tốt để phòng ngừa chứng xuất huyết và lão suy.

Khi dùng quả cà tím với mục đích chữa bệnh, không dùng quả cà tím còn non bởi vì nhiều solanin (một ancaloit tương đối độc) mà chỉ dùng loại cà chín hoặc sắp chín. Có thể nướng cà mà ăn hoặc xào nấu nhưng không để chín nhũn quá, cũng có thể dùng ăn sống.

Ngoài quả cà người ta còn dùng cuống quả hoặc rễ cây cà dưới dạng thuốc sắc ( 4 – 12g) hay thuốc bột để chữa chứng tiểu tiện ra máu, lỵ ra máu. Hạt quả cà cũng có tác dụng thông tiểu được dùng cho những người cần lợi tiểu.

BSCKII Nguyễn Đức Lê (Bệnh viện TWQĐ 108)

Theo Đời sống
back to top