Cà chua bi giá tiền triệu: Cần biết rõ nguồn gốc tránh chất gây ung thư

Nhìn bề ngoài, cà chua bi Đài Loan có hình dáng giống cà chua bi của nước ta, nhưng khi ăn ngọt hơn và không hạt nên nhiều người thích thú. Theo các chuyên gia, ngọt là yếu tố thể hiện chất lượng, nhưng cà chua không hạt cần phải biết rõ kỹ thuật để tránh sử dụng phải cà chua có chất gây ung thư.

Cà chua bi ngọt, không hạt giá 500.000/kg

Theo đó, cà chua bi Đài Loan được nhiều người thích mua dù có giá đắt gấp 50 lần so với giống cà chua của nước ta, khoảng 500.000đ/kg. Quả cà chua hình bầu dục, nhỏ bằng đầu ngón tay cái, vỏ căng mọng và màu đỏ au. Thế nhưng, ăn cà chua Đài Loan lại giòn, ngọt, đặc biệt là phần ruột không có hạt, chỉ có cùi nên khá ngon.

Bên Đài Loan gọi đây là giống cà chua đường vì chúng chẳng khác những loại hoa quả có vị ngọt khác là mấy, một người bán hàng cho hay.

Cà chua bi Đài Loan có giá đắt hơn cà chua nước ta lên đến hơn chục lần.

Trao đổi vấn đề này, TS Trần Ngọc Hùng, trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu rau quả cho hay, cà chua bi còn được gọi là cà chua cherry do hình thái quả bé, trọng lượng thấp. Khác với cà chua quả to, cà chua bi được định giá đắt dựa vào một số yếu tố, trong đó có giống. Giống cây cho ra chất lượng quả khác nhau, trong đó bao gồm độ ngọt khi ăn.

Cụ thể, vị chuyên gia phân tích, cà chua Đài Loan ngọt cũng là một yếu tố đánh giá chất lượng tốt hơn của Việt Nam. Ví dụ, cà chua to có độ ngọt khoảng 3-5 độ Brix, nhưng cà chua bi phải ngọt đến 6 – 7 độ Brix. Giống tốt có thể lên đến 8-9 độ Brix.

Muốn tăng độ ngọt của cà chua lên 1-2 độ rất khó. Bởi, độ ngọt này là thành quả của giống cây, chế độ dinh dưỡng phân bón, mùa vụ… Vào mùa hè, độ ngọt của cà chua sẽ giảm so với mùa đông, cây bón nhiều kali và các khoáng chất cũng cho quả ngọt…

“Nếu cà chua có độ ngọt cao thì chất lượng sẽ tốt hơn. Nhưng là người đã trồng, nhân giống, ăn cà chua này và so sánh với nhiều giống cà chua bi hiện có trong nước thì thực tế chất lượng cà chua Đài Loan chưa cao hơn nhiều. Việc nhiều người thích và mua giá cao có thể do thị hiếu…”, TS Trần Ngọc Hùng nói.

Cẩn thận chất gây ung thư

Nhưng ở góc độ khác, TS Trần Ngọc Hùng cũng rất ngạc nhiên, thậm chí băn khăn khi cà chua bi Đài Loan không có hạt. Bởi theo ông, để cà chua không có hạt hiện nay có hai phương pháp chính là sử dụng chất kích thích tăng tưởng và dùng giống biến đổi gen.

Đối với chất kích thích tăng trưởng, hiện nay trong nước cũng như một số nước trong khu vực vẫn dùng chất 2,4D. Cách dùng rất đơn giản, người trồng chỉ cần nhúng hoặc bơm xịt chất này vào bầu hoa, nơi sẽ chuyển thành quả. Lúc này, quả ra đời sẽ không có hạt, toàn cùi.

2,4D là chất diệt cỏ vô cùng độc hại và đã bị cấm, nhưng thực tế vẫn bị lén lút sử dụng. Vì thế, khi người ăn phải cà chua này cũng bị độc hại không kém.

Cụ thể, trong các thuốc trừ cỏ chứa 2.4D đều có một lượng chất Chlorophenol không được tổng hợp hết gọi là phenol tự do. Chlorophenol có nhiều ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người và môi trường sống do trong tự nhiên.

Chlorophenol tồn tại tương đối lâu và có thể chuyển hóa thành chất dioxin, có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người và động vật máu nóng.

Chất thứ hai được cho là đỡ độc và thay thế 2,4D là chất CP4. Đây là chất kích thích hormon tế bào, khi cho vào bầu hoa cũng cho ra quả không hạt.

Cách thứ ba tạo nên cà chua không hạt là sử dụng giống biến đổi gen. Phương pháp này hiện rất ít và đang đặt nhiều câu hỏi về độ an toàn. Hiện chỉ mới được nghiên cứu ở Nhật. Đài Loan chưa áp dụng công nghệ này.

“Với các cách tạo cà chua không hạt như trên thì người sử dụng cà chua bi không hạt cần phải biết rõ nguồn gốc sản phẩm, công nghệ trồng, cần được kiểm nghiệm bởi các cơ quan chức năng… để tránh tình trạng sử dụng phải sản phẩm có chứa chất độc hại”, TS Trần Ngọc Hùng nói.

“Một trong đặc điểm khiến cà chua bi đắt giá hơn cà chua quả to là do năng suất cà chua bi thấp, thu hoạch lâu, là sản phẩm ăn tươi nên cần bảo quản tốt và dễ bị hư hỏng… Tất cả các yếu tố đó đều được tính vào giá thành. Nhưng đắt chưa chắc đã tốt, vì thế cần phải xem xét nguồn gốc, chất lượng để đảm bảo an toàn trước tiên” – TS Trần Ngọc Hùng.

Thu Hiền

Theo Đời sống
back to top