Lạnh tay chân gây nhiều tổn hại cho sức khỏe
Lương y Nguyễn Hữu Toàn, Hội Đông y Hải Phòng cho biết, rất nhiều người (đặc biệt là phụ nữ, người già, người gầy yếu, người bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém…) thường bị lạnh tay, chân khi mùa đông tới. Mặc dù đã đi tất, mặc quần áo ấm nhưng chân tay vẫn bị lạnh cóng, tê cứng, thậm chí còn đau nhức.
Nguyên nhân không phải chỉ do thời tiết mà chủ yếu là do: khí huyết không lưu thông hoặc lưu thông kém khi nhiệt độ xuống thấp do các mạch máu trong cơ thể bị co lại, khi đó các khu vực nằm xa trái tim như tay hoặc chân bị thiếu máu nên dễ bị lạnh, trở nên nhợt nhạt, tai tái. Cũng có thể do hệ tuần hoàn bị trục trặc, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trong cơ thể, đặc biệt là lượng máu cung cấp cho bàn tay, bàn chân. Ngoài ra, những người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, suy tuyến giáp... cũng thường có biểu hiện chân tay lạnh.
ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông Y bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, cước tay chân và tai là bệnh thường gặp trong mùa đông. Chúng ta đều biết mức độ tổn hại mà nhiệt độ thấp gây ra với lớp da của con người là khác nhau, khi nhiệt độ xuống thấp ở mức 0 - 10C thì có thể gây ra bệnh cước. Cước là một dạng tổn thương da do lạnh, thường xuất hiện ở ngón tay, ngón chân, với biểu hiện: tay, chân sưng tấy, ngứa ngáy, da rộp hoặc nứt, đau buốt gây khó chịu cho người mắc phải.
Theo Đông y, nguyên nhân gây bệnh cước là do khí độc ở ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Các loại khí độc này là hàn (lạnh) và thấp (ẩm ướt) khí. Bệnh nhân sống ở vùng ẩm ướt, hay tiếp xúc với nước lạnh (đồng ruộng, chế biến thực phẩm đông lạnh mà không dùng găng, ủng), khí hậu lạnh lẽo, hay đi chân đất, nằm ngồi hoặc ngủ dưới đất lâu ngày hàn và thấp khí xâm nhập vào da thịt, gân mạch mà sinh bệnh. Vào mùa mưa hoặc mùa lạnh thì bệnh thường phát nặng hơn. Bệnh gây tổn hại cho sức khỏe nên biết cách phòng ngừa và trị bệnh.
Bổ sung vitamin và uống nước để máu lưu thông
Theo ThS Hoàng Khánh Toàn, cước có thể đề phòng bằng cách giữ ấm. Khi rửa tay, chân không nên dùng các lọai xà phòng có tính kiềm mạnh để tránh kích thích da. Sau khi rửa và lau khô chân tay có thể xoa một chút kem dưỡng da có nguồn gốc thảo mộc. Người bị cước nặng có thể bôi một chút kem chống cước không có tính kích thích sau khi ngâm nước nóng, người bị nhẹ có thể bôi một chút kem hoặc dầu dưỡng da thông thường. Ngoài ra, vitamin A có tác dụng bảo vệ da và phòng chống nứt nẻ rất tốt. Vì vậy mùa đông nên ăn nhiều củ cải, rau chân vịt, cà rốt, cà chua, gấc và các lọai thực phẩm có nhiều vitamin A để nâng cao sức đề kháng của da.
Lương y Nguyễn Hữu toàn nhấn mạnh, nhiều người vào mùa đông thường ngại uống nước, nhưng đó là một sai lầm vì nước có tác dụng giúp khí huyết lưu thông tốt hơn, nó sẽ giúp ích trực tiếp cho việc lưu thông máu tới các vị trí “xa xôi” trên cơ thể bạn là chân và tay. Do đó mỗi ngày nên uống đủ 2 lít nước. Chế độ ăn uống cần tăng cường vitamin B1, Vitamin E vào bữa ăn hằng ngày giúp tái tạo máu cho cơ thể. Nên ăn những thực phẩm chứa nhiều calo và chất béo để giúp cơ thể sản sinh nhiệt lượng nhiều hơn.
Bạn nên bổ sung những thực phẩm nóng như: thịt bò, thị dê hoặc thịt chó. Hạn chế ăn hoa quả mang tính lạnh ví dụ như lê, mã thầy ...Ăn nhiều cà rốt, cà chua, súp lơ, bí đỏ, đu đủ,.. bởi các loại rau quả màu vàng rất giàu vitamin A, có tác dụng giúp thúc đẩy chu trình trao đổi chất, bổ khí huyết, tăng cường khả năng chịu lạnh.
Nên bổ sung thực phẩm phong phú giàu sắt như: thịt nạc, cá, gan động vật, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, các loại đỗ, rau cần, rau chân vịt, nấm hương, mộc nhĩ đen. Tăng cường các loại rau củ, hoa quả tươi giàu vitamin C, để thúc đẩy cơ thể hấp thụ sắt, nâng cao khả năng chống lạnh của cơ thể. Ăn thực phẩm ấm nóng, hạn chế thực phẩm lạnh: để tăng thêm nhiệt lượng cho cơ thể. Không nên uống nhiều bia, rượu, đồ uống có cồn khi thời tiết lạnh vì nó càng khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Nhiều người cho rằng mùa đông uống rượu sẽ làm ấm cơ thể nhưng đó không hẳn là một ý tưởng tốt.