Biết cách để đồ khô tự làm không bị mốc, hỏng

Thay vì phải đi mua, nhiều người tự “sản xuất” các sản phẩm khô như thịt bò khô, thịt lợn khô, đến các loại củ quả khô như su hào, củ cải, mướp đắng, bí đao… để ăn hay pha nước uống dần. Tuy nhiên, nhiều người làm xong để được vài ngày đã hỏng, bị nấm mốc tấn công. Theo các chuyên gia, người dân phải biết cách để đồ khô tự làm không bị mốc, hỏng.

Theo các chuyên gia, người dân phải biết cách để đồ khô tự làm không bị mốc, hỏng.

Sờ tay thấy giòn, gãy mới được

Mùa này, su hào, củ cải… vừa ngon, vừa rẻ, nhiều người chọn cách mua về, thái nhỏ, phơi khô để ăn dần. Các sản phẩm khô làm từ su hào, củ cải… chế biến được rất nhiều món ngon, ăn  có vị lạ so với ăn tươi; tương tự, mướp đắng, bí đao phơi khô làm đồ uống rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, có một thực tế, nhiều người kỳ công, rửa, thái rồi phơi nhưng để được vài hôm đã hỏng hoặc có màu thâm nâu nâu.

Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Văn Đông, chuỗi nhà hàng Vinh Việt cho biết, màu nâu nâu của củ cải khô, su hào khô là hoàn toàn bình thường.

Trong các loại củ này có chứa một loại chất rất dễ bị oxy hóa. Khi chúng ta thái, các chất này tiết ra, gặp không khí bị ô xy hóa nên sẽ chuyển sang màu nâu nâu. Về mặt cảm quan, có thể chúng không đẹp mắt nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Cái đáng sợ không phải là màu nâu nâu mà là nấm mốc. Nấm mốc là do phơi chưa đủ khô.

Nhiều người khi đem phơi nhìn thấy miếng củ cải, su hào, mướp đắng… “quắt quắt” tưởng là đã khô, nhưng thực tế, chưa khô. Ở quy mô lớn, muốn biết là đã thật sự khô hay chưa thì phải sử dụng các loại máy để kiểm tra, khi độ ẩm đạt dưới 6% mới đạt. Tuy nhiên, ở quy mô hộ gia đình, không cần máy móc, nhưng bạn phải kiểm tra kỹ, bằng cách đưa miếng bí đao, mướp đắng, su hào lên bẻ thử, nếu thấy giòn, gãy lúc đấy mới đảm bảo khô.

Sau khi phơi khô, quan trọng nhất là bạn phải biết cách bảo quản. Với những loại đồ khô này, bạn phải đảm bảo bảo quản kín. Sau khi phơi khô bạn hãy để nguôi. Nếu vừa mang từ nắng vào mà cho vào trong túi ngay rất dễ xảy ra hiện tượng bốc hơi, khi xuất hiện hơi nước, đồ khô nhanh chóng bị nhiễm ẩm.

Vì vậy, phải để nguội, khi đã nguội thì phải nhanh chóng cho vào hộp/lọ hoặc túi nilon dày. Trong quá trình bảo quản, hạn chế mở ra, đóng vào, bởi mỗi lần mở ra là một lần bạn để không khí lọt vào trong từ đó làm đồ khô bị nhiễm ẩm. Vì thế, cách tốt nhất là bạn chia nhỏ chúng ra thành từng túi nhỏ, ước lượng ăn hết bao nhiêu thì cho gần đấy vào túi, ăn túi nào hết túi đấy.

Theo các chuyên gia, nếu bảo quản đúng, không bị mốc, đồ khô tự làm có thể để trong thời gian dài, thậm chí có thể để tới vài năm. Tất nhiên, các thực phẩm này rất sẵn, không cần phải làm nhiều, để mãi không ăn hết. Với các loại củ quả, mùa nào làm củ quả đấy, ăn hết đến mùa lại làm tiếp.

Chú ý thịt khô

Không chỉ “sản xuất” đồ khô là các loại củ quả, giờ đây, để đảm bảo an toàn nhiều chị em còn làm cả thịt khô, như thịt lợn khô, thịt bò, thịt trâu khô… Quy trình làm khô chúng không khó, cái khó là biết cách bảo quản.

Các loại thực phẩm này khó bảo quản hơn với củ quả khô bởi chúng là thực phẩm giàu protein rất dễ bị vi khuẩn, nấm mốc tấn công. Sau khi làm khô xong, giống như các loại đồ khô khác, bạn chờ nguội rồi mới cho chúng vào túi hút chân không để bảo quản là tốt nhất.

Tuy nhiên, các loại đồ khô này, chúng ta lại thường lấy ra ăn theo kiểu rả rích, mỗi lần lại lấy ra ăn một ít nên những chỗ chưa ăn đến rất dễ bị nhiễm ẩm dẫn đến bị mốc.

Nhiều người ăn không hết lại cho lại vào túi nilon rồi cất vào tủ lạnh, vài ngày sau mở ra đã thấy mốc xanh bám đầy. Lý do là vì, miếng thịt khô bỏ ra ngoài đã bị không khí xâm nhập, khi chúng ta cho túi nilon rồi để trong tủ lạnh, hơi nước từ miếng thịt khô sẽ bốc hơi và ngưng tụ lại trên bề mặt túi nilon.

Hơi nước từ bề mặt túi nilon lại rơi xuống làm ướt cục bộ một phần nào đó của miếng thịt làm cho vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập. Trong trường hợp ăn không hết, bạn phải làm khô lại chúng trước khi cất đi.

Huy Khánh

Theo Đời sống
back to top