Bí quyết chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe

(khoahocdoisong.vn) - Theo TS.BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cơ thể mới khỏe mạnh.
Bữa ăn cần đa dạng thực phẩm, giàu màu sắc. Ảnh minh họa internet

Bữa ăn cần đa dạng thực phẩm, giàu màu sắc. Ảnh minh họa internet

Sức khỏe tốt theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là không có bệnh tật hoặc có thể kiểm soát tốt bệnh tật. Còn theo TS.BS Lưu Ngân Tâm, muốn tạo ra cơ thể từ trong bụng mẹ đến khi ra đời, phát triển, tăng trưởng, đến khi về già đủ sức khỏe, dẻo dai, phải có đủ chất dinh dưỡng từ thức ăn và nước để tạo ra khối cơ, đủ mỡ…

Những việc không nên làm

Không nên ăn no quá

Chỉ nên ăn lưng bụng. Một bữa ăn không nên ăn no cành hông. Ăn quá no sẽ rất mệt, óc ách khó tiêu. Đặc biệt là càng lớn tuổi, hệ tiêu hóa và dạ dày sẽ hoạt động kém hiệu quả nên càng khó tiêu hóa thức ăn nhanh chóng. Khó tiêu kéo dài dễ dẫn đến cảm giác buồn nôn, nôn ói.

Bên cạnh đó, ăn quá no còn dẫn đến thừa dinh dưỡng, thừa cân - béo phì và phát sinh nhiều bệnh tật.

Không nên ăn nhiều chất béo, giàu cholesterol

Thực phẩm giàu chất béo hay cholesterol như các loại đồ chiên, xào, tạng động vật. Đặc biệt, thanh thiếu niên càng tránh các loại ăn vặt như bắp xào, bắp rang bằng bơ thực vật… Đây là những thực phẩm rất độc hại cho hệ tim mạch, gây xơ vữa động mạch, các bệnh lý liên quan đến thiếu máu cơ tim, thiếu máu não…

Không nên lạm dụng nước ngọt và đồ uống có gas

Thức ăn nhanh như hamburger, khoai tây chiên… làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, trong chế độ dinh dưỡng còn cần tránh lạm dụng các loại thức uống ngọt có gas. Ví dụ, mỗi người cần 1.800kcal/ngày để hoạt động, chia đều cho 3 bữa ăn. Một lon bia chiếm 140kcal. Như vậy, nếu mỗi ngày chúng ta uống ba lon bia đã hơn 500kcal.

Không nên ăn nhiều đồ ngọt

Đồ ngọt khiến chúng ta dễ tăng cân - béo phì và dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Những việc nên làm

Ăn điều độ

Ăn đa dạng thực phẩm. Vì không có một thực phẩm nào hoàn hảo hay tối ưu nhất cho sức khỏe. Mỗi loại thực phẩm có ưu điểm và khuyết điểm riêng. Bữa ăn càng nhiều màu sắc tự nhiên bởi nhiều loại thức ăn như thịt, cá, rau củ… càng tốt. Thay đổi thức ăn thường xuyên.

Uống nước rải đều trong ngày với khoảng 8 cốc nước 250ml/cốc. Ảnh minh họa

Uống nước rải đều trong ngày với khoảng 8 cốc nước 250ml/cốc. Ảnh minh họa

Ăn vừa phải thực phẩm giàu đạm

Đó là những thực phẩm từ thịt, cá. Những người theo số chế độ ăn giảm cân bỏ luôn tinh bột - đường, ăn toàn thịt sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh gout hoặc suy thận về sau. Chúng ta cần ăn một lượng đạm vừa phải, thịt - cá - đậu đỗ, các loại hạt.

Để người lớn tuổi đi lại ít bị té ngã, cơ ở chân phải đủ và rắn chắc nên rất cần chất đạm. Chất đạm xây dựng hệ cơ, hệ miễn dịch, tóc… Vết thương muốn lành mau, người nằm một chỗ bị loét do tì đè cần đủ đạm.

Giảm bớt lượng tinh bột - đường

Như cơm, bánh phở, hủ tiếu… Cơm chứa năng lượng rất nhiều. Năng lượng dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ, như mỡ bụng… Mỗi bữa chỉ cần nửa bát cơm là đủ. Ăn quá nhiều tinh bột như cơm sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn mỡ máu, tăng triglyceride máu.

Tăng cường rau củ quả ngũ cốc

Là những nguồn cung cấp khoáng chất như kali, natri, canxi. Rau củ quả là nguồn giàu vitamin, sinh tố vi lượng, những chất chống oxy hóa.

Người càng căng thẳng nhiều, cơ thể càng sản sinh ra nhiều gốc oxy hóa, tấn công vào tế bào làm chúng ta mau già. Đồng thời, chúng ta dễ mắc bệnh tim mạch, dễ mắc ung thư.

Cân đối bữa ăn và uống đủ nước

Một đĩa đồ ăn/bữa ăn bao gồm: một nửa là rau củ quả, 1/4 là tinh bột đường (có thể ưu tiên gạo lứt, gạo nâu, bánh mỳ đen), còn lại là thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ…

Uống đủ nước với 8 ly nước/ngày. Không nên uống cùng một lúc 2 ly mà nên uống rải đều trong ngày, nhất là người cao tuổi. Hạn chế uống nhiều nước vào chiều tối, dễ khiến người lớn tuổi mất ngủ vì đi tiểu đêm nhiều lần.

Theo Đời sống
back to top