Những khu vực dễ nhiễm khuẩn
Căn bếp chính là một trong những nơi mất vệ sinh nhất trong ngôi nhà của bạn bởi khu vực này không chỉ liên quan đến nước, ẩm ướt, thực phẩm tươi sống, thức ăn đã chế biến, dầu mỡ,… Ngay cả các thiết bị bếp hiện đại nhất cũng có thể chính là những ổ vi khuẩn lớn nhất, nếu chúng không được chùi rửa, vệ sinh định kỳ.
Một căn bếp hiện đại nếu không giữ vệ sinh có thể sẽ là ổ vi khuẩn lớn – Ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch, bếp nấu và bồn rửa là nơi dễ bị nhiễm khuẩn, vì thế khu vực này càng bày biện ít đồ dùng càng tốt, và đồ dùng nhà bếp nên giữ càng khô bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Các đồ dùng sau khi sử dụng nên được cọ rửa ngay và gác lên giá cho khô, cất giữ đúng nơi quy định.
Dù chậu rửa, vòi rửa có sáng bóng cũng không thể chắc rằng chúng sạch khuẩn. Hãy lau rửa thường xuyên với chanh, giấm hoặc nước rửa bát, và lau khô sau khi sử dụng. Tuyệt đối không ngâm bát đĩa bẩn lưu cữu trong chậu rửa.
Đối với bếp nấu, dù là bếp ga âm, bếp điện, bếp từ hay hồng ngoại thì bề mặt bằng kính cũng vẫn có thể bám bẩn, nhất là sau khi chế biến các món rán hay xào, hoặc khi bạn không may để nồi canh, hầm trào ra bếp. Trong khi đó, nếu bạn dùng bếp ga thông thường thì việc cáu bẩn ở bề mặt bếp, kiềng, họng ga, mâm chia lửa, thậm chí cả hộc bếp,… là không thể tránh khỏi.
Tốt nhất chúng ta nên lau rửa bếp nấu, bàn bếp và máy khử mùi hàng ngày với nước rửa bát hoặc hóa chất chuyên dùng cho mặt phẳng kính hoặc inox ngay sau khi nấu ăn.
Máy hút mùi vô tác dụng khi than hoạt tính bão hòa
Tủ bếp trên cũng là một ổ vi khuẩn khổng lồ do hơi nước và hơi dầu mỡ bốc lên, cùng với bụi bẩn tích tụ lâu ngày tạo thành các mảng bám dày đặc, két bẩn. Mỗi tuần nên lau bề mặt tủ bếp một lần với nước rửa bát hoặc có thể dùng nước dấm nóng hay nước chanh để hạn chế tiếp xúc với chất tẩy rửa. Khu vực chậu rửa luôn đọng nước cũng là một ổ vi khuẩn vô hình.
Bộ phận máy khử mùi phía trên bếp, thường được thiết kế âm tủ hoặc liền kề trong hệ thống tủ bếp trên, cũng là nơi bám rất nhiều dầu mỡ sau những ngày nấu ăn. Ngoài việc chú ý vệ sinh sạch sẽ máy hút mùi, để tránh hơi dầu mỡ, vi khuẩn và bụi bẩn bám dính trên máy sẽ theo hơi nước nhỏ xuống bếp và nồi nấu, bạn cũng cần phải lưu ý đến việc thay lớp than hoạt tính của máy hút mùi khi vật liệu này bị bão hòa.
Theo KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, với hệ thống hút mùi loại hút theo đường ống và thải trực tiếp ra ngoài trời thì đây không phải vấn đề đáng ngại; nhưng nếu là loại máy hút mùi qua xử lý bằng than hoạt tính thì bạn cần chú ý thay lớp vật liệu mới sau mỗi 6 tháng để máy hoạt động hiệu quả hơn.
Đừng chủ quan nghĩ rằng khi bạn bật máy lên quạt hút vẫn hoạt động là ổn, bởi nếu lớp than hoạt tính đã bị bão hòa thì sẽ không có tác dụng hút mùi nữa, và dù máy hút mùi vẫn hoạt động nhưng mùi thức ăn sẽ vẫn lẩn quẩn trong bếp nhà bạn, không thể thoát được.
Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu của ĐH Ljubljana(Slovenia) về sự có mặt của các loại vi khuẩn trong nhà bếp, TS sinh học Polona Zalar đưa ra cảnh báo, trong một số đồ gia dụng thông thường, đặc biệt là các thiết bị nhà bếp như lò vi sóng, lò nướng, tủ lạnh, bồn chậu rửa,…. có sự hiện diện rộng rãi của dòng khuẩn extremophilic – một loại vi khuẩn “cứng đầu”, có thể sinh sôi, phát triển bình thường trong điều kiện mà hầu như không loại vi khuẩn nào sống nổi.
Vì vậy, việc lau chùi, vệ sinh các thiết bị này cần được thực hiện triệt để và nghiêm túc sau khi sử dụng hoặc ít nhất là định kỳ hàng tuần.
Máy rửa bát được xem là một thiết bị nhà bếp hiện đại, giúp cho việc rửa dọn bát đĩa nhanh và đảm bảo sạch sẽ, tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Ljubljana cho biết bên trong máy rửa bát có thể chứa các loại nấm độc hại. Theo đo, 62% số máy rửa bát được kiểm tra có chứa nấm trên dải cao su ở cửa máy. Hơn một nửa số máy này có mặt các loại men nấm Exophiala dermatitidis và E.phaeomuriformis – là những loại nấm rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. (TS Gunde-Cimerman, thuộc nhóm nghiên cứu tại Đại học Ljubljana)
Huy Khánh