Hiện nay béo phì đang tăng vọt với tốc độ nhanh chóng đáng báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và thực sự là mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm có ít nhất 2,8 triệu người tử vong do thừa cân hoặc béo phì, ước tính 35,8 triệu người (2,3%) trở thành gánh nặng bệnh tật toàn cầu do thừa cân hoặc béo phì.
Hệ lụy của thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì gây cho người bệnh một số hậu quả không mong muốn như đái tháo đường, tim mạch, thoát hóa khớp, vô sinh, ung thư… Cụ thể:
Thừa cân, béo phì và nguy cơ đái tháo đường
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 87% người bệnh đái tháo đường bị thừa cân và béo phì. Những trẻ vị thành niên bị béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường khi trưởng thành.
Một nghiên cứu cho thấy những người bệnh tăng cân 8 – 10kg thì nguy cơ đái tháo đường là tăng 2,7 lần.
Béo phì - "thủ phạm" gây ra hàng trăm loại bệnh. Ảnh minh họa |
Thừa cân, béo phì và bệnh lý tim mạch
Theo ghi nhận tình trạng thừa cân, béo phì có mối liên hệ mật thiết với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, suy tim. Nhiều nghiên cứu cho thấy, 78% người bệnh nam giới và 60% người bệnh nữ giới cao huyết áp đều có cân nặng ở mức thừa cân hoặc béo phì.
Chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng lên 5 đơn vị làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp tăng lên 1,5 lần và vòng bụng tăng lên 10cm làm tăng nguy cơ cao huyết áp lên 1,25 lần.
Thừa cân, béo phì và thoái hóa khớp
Thực tế cho thấy những người béo phì thường thoái hóa khớp hoặc mắc các bệnh lý xương khớp sớm hơn những người có số cân lý tưởng. Với thoái hóa khớp thì người bệnh béo phì có nguy cơ thoái hóa khớp háng và phải phẫu thuật thay khớp tăng gấp 1,12 lần so với các người bệnh có thể trọng bình thường.
Ngoài ra béo phì làm tăng tỷ lệ vô sinh ở nữ giới. Béo phì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ là do thay đổi chức năng của trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng. Béo phì làm tăng insulin máu do đó có liên quan mật thiết với cơ chế bệnh sinh của buồng trứng đa nang.
Bên cạnh đó, béo phì làm giảm nồng độ testosterone trong máu ở nam giới qua đó làm tăng tỷ lệ rối loạn cương dương và vô sinh ở nam, giảm số lượng và chất lượng của tinh trùng.
Một trong các hậu quả khác của béo phì là ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Họ bị phân biệt, kỳ thị về cân nặng dẫn đến tổn hại về thể chất và tâm lý. Béo phì còn làm tăng nguy cơ các bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư thực quản và tăng nguy cơ tử vong hơn.
Ảnh minh họa |
Không chỉ gây tác động lên cá nhân bị thừa cân và béo phì mà nó còn ảnh hưởng tới kinh tế xã hội vì phải dành chi phí cho việc điều trị bệnh và các bệnh liên quan, gián tiếp giảm năng suất lao động do bệnh lý kèm theo và cảm giác không thoải mái trong cuộc sống như bức bối về mùa hè, tê buốt chân tay… làm giảm hiệu suất lao động.
Cách phòng tránh béo phì
Việc ngăn ngừa béo phì sẽ dễ hơn và ít tốn kém hơn việc điều trị, do đó nên ngăn ngừa béo phì từ sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Việc phòng tránh béo phì bắt đầu khi bạn cảm thấy cơ thể có sự thay đổi cân nặng. Cần thực hiện từng chút một, hằng ngày để mang lại hiệu quả. Có thể thực hiện các bước dưới đây để phòng tránh béo phì:
Tự cắt giảm khẩu phần ăn: Việc cắt giảm hoặc thay thế các thức ăn giàu calo sẽ giúp ổn định cân nặng của bản thân.
Thực hiện các hoạt động nhỏ: đi bộ đến chỗ làm thay vì đi xe nếu công ty không quá xa là một lựa chọn nên được cân nhắc nếu bạn muốn giảm cân. Ngoài ra việc sử dụng thang bộ thay vì thang máy cũng là một cách đốt cháy calo hiệu quả.
Lựa chọn thực phẩm cho bản thân: Các thực phẩm giàu chất xơ không gây tăng lượng đường trong máu. Do đó có thể xem xét thay đổi khẩu phần ăn của mình để hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể.
Trau dồi sức khoẻ: Giữ một tinh thần thoải mái, cố gắng ngủ đủ giấc, tránh stress là những cách giúp ổn định hormone trong cơ thể nhằm tránh rối loạn chuyển hoá dẫn đến béo phì.