Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa công bố vừa ghi nhận ca mắc rubella đầu tiên tại Hà Nội năm 2024. Đó là bé gái 7 tuổi ở huyện Đan Phượng. Trước đó, bé gái này đã được tiêm chủng hai mũi vaccine phòng bệnh rubella.
Xuất hiện ca mắc rubella đầu tiên trong năm 2024 tại Hà Nội |
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh rubella rất nguy hiểm ở phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ do có thể gây sảy thai, thai chết lưu; đặc biệt, gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi (bệnh tim, mù, đục thủy tinh thể, điếc và chậm phát triển tinh thần), thường gọi là hội chứng rubella bẩm sinh. Hội chứng này có thể gặp ở 90% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu mang thai.
Đặc biệt, bệnh rubella có tính lây truyền cao và có thể gây thành dịch lớn. Trên lâm sàng, bệnh khó phân biệt với các bệnh sốt phát ban khác, nhất là với sởi và có tới 50% trường hợp bệnh biểu hiện lâm sàng không điển hình.
Các chuyên gia y tế cho rằng, những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh. Người sau khi mắc bệnh có miễn dịch bền vững. Mặt khác, miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng 6-9 tháng sau khi ra đời, tùy vào lượng kháng thể của mẹ.
Các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh rubella, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất. Bên cạnh đó, nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, nên đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine sởi - rubella, đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh.