Bất ngờ lãi suất tiết kiệm nhảy vọt lên 8,2%/năm còn trái phiếu gần 20%

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ngân hàng chưa thật sự hấp dẫn thì mức lãi suất tiết kiệm lên tới 8,2% hay lãi suất trái phiếu chào mời gần 20% gây ngỡ ngàng. Song, "miếng ngon" không dễ xơi!

Lãi suất tiết kiệm vọt lên 8,2%/năm, ai mang 500 tỷ đồng gửi ngân hàng?

Khảo sát cho thấy mặt bằng lãi suất hiện có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng. Lãi suất huy động cao phải đi kèm với một số điều kiện.

OCB đang là ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất, áp dụng mức 8,2%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, 8,1%/năm kỳ hạn 12 tháng. Song, mức lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng và được dựa theo biểu lãi suất cơ sở của ngân hàng. Trong đó, lãi suất cơ sở là lãi suất tham chiếu được ngân hàng này dùng để điều chỉnh lãi suất cho vay sau thời gian cố định lãi suất.

ACB có mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm, áp dụng cho khoản tiền gửi từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Trong trường hợp số tiền nhỏ hơn mức quy định, khách hàng chỉ được hưởng lãi suất là 6,6%/năm tại kỳ hạn 13 tháng.

Techcombank trả lãi lên đến 7,1%/năm với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn.

Tại MSB, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12, 13 tháng với số tiền gửi từ 200 tỷ đồng được hưởng lãi suất 7%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 7 tại LienVietPostBank là 6,99%/năm; HDBank là  6,95%/năm; MB và VietABank cùng có mức 6,9%/năm… Khách hàng gửi tiền cũng phải theo các tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất này.

Đứng cuối cùng trong top 10 ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm là Kienlongbank, với khung lãi suất dành cho các khoản tiết kiệm tại quầy dưới hình thức lĩnh lãi cuối kỳ dao động trong khoảng 3,1% - 6,75%/năm.  

Bất ngờ lãi suất tiết kiệm nhảy vọt lên 8,2%/năm còn trái phiếu gần 20% - 1

Lãi suất cao thường đi kèm điều kiện hoặc chứa đựng những rủi ro nhất định (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Cảnh báo rủi ro từ "mồi" lãi suất "khủng" của trái phiếu

Sau 3 tháng đầu năm trầm lắng với quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ, các doanh nghiệp trong nước đang bắt đầu tăng tốc việc huy động vốn qua kênh này. 

Sau 5 tháng đầu năm, thống kê của KBSV cho thấy Phát Đạt là doanh nghiệp trả lãi suất cao nhất, lên tới 13%/năm. Từ đầu năm đến nay, đại gia bất động sản này phát hành tổng cộng 680 tỷ đồng trái phiếu với tài sản đảm bảo là cổ phiếu PDR của doanh nghiệp đang nằm trong danh mục VN30.

Một doanh nghiệp khác cũng trả lãi suất trái phiếu lên tới 13%/năm là Tiki vừa hoàn thành việc phát hành trong tháng 6. Sàn thương mại điện tử này phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 2 năm. Phần lớn trái chủ tham gia mua trái phiếu của Tiki là nhà đầu tư cá nhân. 

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam: "Nhà đầu tư cá nhân không nên mạo hiểm, chỉ mua trái phiếu doanh nghiệp vì lãi suất cao. Những doanh nghiệp không niêm yết phát hành trái phiếu lại không có tài sản đảm bảo sẽ rất rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân. Nguyên tắc trên thị trường tài chính là rủi ro cao đi kèm lợi nhuận cao nhưng không nên bất chấp để dẫn đến nguy cơ mất tiền". 

Mời mua trái phiếu nhận lãi gần 20%/năm

Lãi suất tiết kiệm quá thấp, không ít người tìm đến kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh cổ phiếu.

Chỉ cần thử đăng bài có nhu cầu tìm mua trái phiếu với vốn đầu tư vài trăm triệu đồng trong một nhóm đầu tư trên facebook, người đăng tin có thể nhanh chóng nhận được hàng chục tin nhắn chào mời. 

Phần lớn các lời mời chào mua trái phiếu do các tập đoàn Sovico, Sunshine, BCG Land, Helios, Vinaconex, Tân Hoàng Minh, Kinh Bắc phát hành có lãi suất 8 - 12%/năm, cao hơn so với lãi tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng lớn.

Cá biệt, môi giới của VSet Group cho biết ngoài lãi suất cố định 12%/năm còn có lãi thưởng cho khách hàng mua trái phiếu. Nếu đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên, công ty này thưởng thêm lãi suất 6,8%/năm, tương đương lãi suất tổng cộng 18,8%/năm, gấp hơn 3 lần so với gửi tiết kiệm ngân hàng. 

Người người, nhà nhà đổ xô vào nhà đất, chứng khoán, thu thuế tăng đột biến

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020.

Theo cơ quan này, một số ngành đạt mức tăng trưởng cao như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... đã góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ chuyển nhượng bất động sản đạt khoảng 8.600 tỷ đồng, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tăng khoảng 4.500 tỷ đồng; lệ phí trước bạ nhà đất tăng khoảng 1.100 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng. 

Thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty chứng khoán tăng 1.100 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán tăng 1.500 tỷ đồng. 

(tổng hợp)

Theo dantri.com.vn
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top