Trong tháng 5/2021, VietinBank đã thông qua phương án phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu (kỳ hạn 8 - 10 năm) ra công chúng để tăng vốn cấp 2. Lãi suất dao động từ 6,48 - 6,7%, cao hơn trung bình cộng lãi suất tiết kiệm của 4 “ông lớn” (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank) 0,9 - 1%.
Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ lại đua nhau phát hành trái phiếu với kỳ hạn 2 - 3 năm, với lãi thấp hơn rất nhiều, chỉ loanh quanh 3 - 4,1%. Hầu hết là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo.
Cụ thể, TPBank có 3 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng, với mức lãi suất 3 - 4,1%/năm.
SHB đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm cho hai công ty chứng khoán, lãi suất cố định 3,8%/năm.
ACB phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 4%/năm, trả lãi hàng năm.
OCB cũng huy động thành công 1.500 tỷ đồng thông qua bán trái phiếu với lãi suất 4%/năm. Đáng chú ý, đơn vị mua số lượng lớn trái phiếu trên đều là các công ty chứng khoán (CTCK) trong nước.
Việc CTCK chi hàng nghìn tỷ đồng mua trái phiếu ngân hàng với lãi suất thấp đặt ra nhiều nghi vấn.
Liệu có phải các CTCK này nhận định được mức lãi suất thấp của trái phiếu ngân hàng có triển vọng hơn lợi nhuận từ tự doanh chứng khoán hay cho vay ký quỹ dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang thăng hoa?
Các CTCK luôn phải linh hoạt vốn, đảm bảo duy trì lượng vốn lớn để chạy theo diễn biến thị trường, vậy lý do gì các công ty này lại “chôn” vốn trong số lượng lớn trái phiếu ngân hàng với lãi suất rất thấp mà không có tài sản đảm bảo?
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, có thể các CTCK này đang quá dư thừa vốn nên muốn đa dạng hóa đầu tư, chấp nhận sinh lời thấp. Cũng không loại trừ khả năng, một số ngân hàng đang ủy thác vốn cho các CTCK để mua chéo trái phiếu (kỳ hạn không quá 3 năm) của nhau, nhằm kích vốn trung và dài hạn lên, với mục đích gia tăng vốn cấp 2, nâng hệ số vốn an toàn CAR dù chỉ tăng vốn ảo trên sổ sách.
Hiện tại, các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản nguồn vốn ngắn hạn, nhưng lại có nhu cầu lớn sử dụng vốn trung và dài hạn, đặc biệt tại các ngân hàng có thiên về bán lẻ. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đang siết chặt tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn.
Vô hình trung, các CTCK với danh nghĩa là nhà đầu tư đã trở thành trung gian giữa các ngân hàng, tham gia mua ở thị trường sơ cấp và bán lại cho ngân hàng khác trên thị trường thứ cấp.