Trong đó, trẻ sơ sinh ở khu vực Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại khu vực này, có khoảng 12 triệu trẻ em sống trong những khu vực ô nhiễm cao gấp 6 lần mức an toàn cho phép. Số lượng này ở Đông Á và Thái Bình Dương là hơn 4 triệu trẻ.
Theo Unicef, hít thở không khí ô nhiễm có thể làm hỏng mô não và suy giảm sự phát triển nhận thức. Báo cáo của tổ chức này cũng chỉ rõ sự liên quan giữa ô nhiễm và chỉ số IQ ngôn ngữ – phi ngôn ngữ, trí nhớ, giảm điểm số, điểm tổng kết trung bình giữa các học sinh cũng như hành vi của trẻ. Sự ảnh hưởng này có thể kéo dài suốt cuộc đời đứa trẻ.
Unicef lo ngại, quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhiều, nếu không có biện pháp bảo vệ và giảm thiểu ô nhiễm thích hợp, nhiều trẻ em có nguy cơ cao trong những năm tới. Do đó, Unicef kêu gọi sử dụng khẩu trang và hệ thống lọc không khí, đặc biệt không cho trẻ đi chơi trong thời gian không khí bị ô nhiễm.
Tháng trước, không khí ô nhiễm bắt đầu bao phủ thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Một số trường học của thành phố này đã phải đóng cửa nhưng sau đó mở cửa trở lại nên vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích. Nhiều phụ huynh cáo buộc chính quyền không coi trọng sức khỏe của con em mình.
Theo BBC, ở miền Bắc Trung Quốc, ước tính ô nhiễm không khí làm giảm 3 năm tuổi thọ. Chính phủ nước này đã phải áp dụng các quy định về lượng khí thải đối với các công ty.
Trong khi đó, một nghiên cứu riêng rẽ do các nhà khoa học tại các bệnh viện ở London, Anh tiến hành cho thấy không khí ô nhiễm ở các thành phố tại nước này dẫn đến trẻ sinh ra nhẹ cân hơn, tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở trẻ sơ sinh cao hơn.
Không chỉ có thủy ngân, bụi kích cỡ nhỏ cũng có thể xâm nhập sâu vào phế quản, phế nang.
Môi trường sống ô nhiễm, cùng với các thói quen gây hại cho sức khỏe như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, ít vận động… khiến cho độc tố dễ tích tụ trong cơ thể, tàn phá sức khỏe con người.
Bình An (tổng hợp)