Ăn ngon thì chưa có nhưng đã no cái bụng.
Thời di cư
Bản Mỹ Á nằm cuối xã Thu Cúc, nơi giáp ranh 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái, với địa hình phức tạp cao trên 2000m được cấu tạo bởi núi đá tai mèo lởm chởm nên không ai có thể đi xe vào bản. Phải mất hàng tiếng đồng hồ trèo đèo lội suối, chúng tôi mới có mặt tại nhà của ông Sùng A Tủa – Trường bản Mỹ Á.
Trong cái rét ngọt đầu mùa miền sơn cước, ông Tủa ngồi thu lu bên bếp lửa nhà sàn hồi tưởng: “Trước đây, chúng tôi gồm 4 hộ người Mông ở Văn Chấn – Yên Bái di cư sang năm 1983. Đây được gọi là Củm Cò của xã Thu Cúc, ngày trước Mỹ Á là “hoang bản” vì chỉ có 4 hộ dân với 20 nhân khẩu. Chúng tôi sống bằng săn bắn hái lượm và trồng ngô khoai sắn, tuyệt nhiên không giao lưu với bên ngoài”.
Theo ông Hà Văn Khanh – Chủ tịch UBND xã Thu Cúc: “Bản Mỹ Á xưa kia là rừng rậm nhiều thú dữ. Hầu như không ai dám đặt chân đến ngoại trừ các thợ săn. Khi 4 hộ người Mông di cư sang, chính quyền cũng tạo điều kiện để họ được cấp đất khai hoang và sinh sống cho đến bây giờ”.
Trong trí nhớ của ông Tủa, người Mông thời di cư sang Mỹ Á là một huyền thoại trong trận chiến với cái đói. 20 con người vừa phải lo cái ăn cái mặc hàng ngày, vừa phải chống chọi với thú dữ và giá lạnh. “Hoang bản” Mỹ Á 4 mùa sương phủ nên để có cái ăn, người ta phải đi đào củ sắn dại hay củ mài. Nhiều đêm đói lay lắt, họ chỉ biết ngồi bên bếp lửa sưởi ấm và mong cho trời mau sáng.
Chính ông Trưởng bản Sùng A Tủa đã từng trải qua cái đói ấy, nhưng ông bảo: “Vạn sự khởi đầu nan, cây ngô cây lúa mình mới trồng chưa cho cái bắp cái hạt, chưa có mèn mén mà ăn thì vào rừng mà săn bắt. Ở đây thú nhiều, chỉ cần biết bắn nỏ phi tên là có cái ăn”.
Nhưng rồi ông nhắc lại, đấy chỉ là giải pháp tình thế còn lâu dài thì vẫn phải dựa vào nông nghiệp. Vùng đất màu mỡ mà không trồng được cây ngô mà ăn thì phí phạm quá. Vậy là 20 con người hì hụi làm việc, cho đến bây giờ Mỹ Á đã có tròn 90 hộ dân với trên 550 nhân khẩu.
Nhà anh Mùa A Sua đã sắm được máy xát gạo.
“Ngon chưa có nhưng no bụng rồi”
Trưởng bản Sùng A Tủa dẫn chúng tôi theo con đường độc đạo vào sâu phía trong của bản. Những nóc nhà sàn thấp thoáng phía lưng chừng núi được điểm xuyết bởi những nương ngô như đang dần xóa đi những hoang hoải xa xăm.
Ngôi nhà nhỏ của anh Mùa A Sua đang khói bếp nức mùi thơm của ngô nướng lẫn lạc rang, thấy có khách A Sua chạy ra mời vào và mau mắn đi tìm can rượu. A Sua thật thà rằng: “Nói thật với mày, ở đây chúng tao không còn đói nữa. Ăn ngon thì chưa có nhưng no cái bụng rồi. Đây mày xem, nhà tao đầy ngô, đầy rượu, tao còn có cả một cái máy xát gạo để bà con không phải dùng cối xay”.
A Sua cho hay, nhà anh được cấp đủ ruộng nương để trồng ngô và lúa, lại được cấp rừng trồng keo và bồ đề. Vợ chồng con cái chịu khó làm lụng thì không phải đói phải rét. Điện lưới tuy chưa có nhưng dân bản cũng sáng tạo lắm, họ tạo ra các Tua – bin đặt bên dòng xoáy của suối để có điện thắp sáng.
Chia tay A Sua, chúng tôi đi bộ lên tới “nhà văn hóa” bản Mỹ Á, nói là “nhà văn hóa” nhưng thực chất là ngôi nhà gỗ của một cán bộ y tế của bản. Hôm nay, cán bộ y tế xã Thu Cúc tập hợp về đây để khám và chữa bệnh miễn phí cho bà con. Chúng tôi nhẩm tính, có đến trên 100 ông bố bà mẹ đưa con mình đến khám bệnh.
Một cán bộ y tế bảo nhỏ: “Các em nhỏ ở bản Mỹ Á có nhiều bệnh lắm, chúng tôi phải khám và chữa để mong sao các em được khỏe mạnh. Ngày trước, mình không vào đây mà khám chữa được đâu vì họ tin cái bệnh là do “ma rừng” làm. Bây giờ đổi thay rồi, các bà mẹ mang thai cũng đến khám để đảm bảo an toàn”.
Cán bộ y tế khám chữa bệnh cho dân bản Mỹ Á.
Sẽ giàu nhờ có chữ
Chia tay “nhà văn hóa” chúng tôi khởi hành đến Trường Tiểu học Thu Cúc, phân hiệu bản Mỹ Á nằm trên đỉnh Củm Cò. Ngôi trường hiện ra với 5 phòng học thì đã có đến 3 phòng tạm được làm bằng tranh tre vách nứa. Ngồi bên trong lớp, gió núi lùa qua khe vách tạo âm thanh rát rạt bên tai.
Cô giáo Nguyễn Thị Mến mỉm cười bảo: “Cơ sở vật chất tuy có thiếu nhưng được cái các em người Mông ở đây hiếu học lắm. Trường hiện có 90 học sinh, có em nhà xa nên 4 giờ sáng đã phải dậy thắp đèn lội suối băng rừng đến trường”.
Cũng theo cô Mến, phân hiệu Mỹ Á hiện có 4 giáo viên chính và 1 giáo viên bộ môn. Trong đó có 2 cô giáo là Nguyễn Thị Mến và Trần Thị Nga là trẻ nhất, lại cùng là người huyện Yên Lập cách xa Thu Cúc. Có khi, cả tháng các cô mới xuống núi một lần để mua các nhu yếu phẩm cho bản thân.
Cô Trần Thị Nga bảo: “Nói thực, ở trên núi cũng buồn lắm nhưng vì các em học sinh nên cũng phải cố gắng. Chuyện chồng con sẽ phải tính sau, cũng có khi làm dâu bản Mỹ Á luôn. Bây giờ đổi thay rồi, phân hiệu Mỹ Á đang được xây dựng thành một trường học khang trang, hi vọng người bản Mỹ Á sẽ giàu nhờ có con chữ”.
“Chỉ tính mấy năm về trước thì người bản Mỹ Á cũng còn khổ lắm. Còn thiếu cái ăn, cái mặc còn chưa ấm. Nhưng bây giờ đang đổi thay rồi, nương ngô đầy bắp, trên ruộng đầy lúa. Bản cũng đã có học sinh thi đỗ Cao đẳng Sư phạm và ra trường làm thầy giáo rồi. Chỉ vài năm nữa thôi, người Mông ở Mỹ Á sẽ giàu”, ông Sùng A Tủa – Trưởng bản Mỹ Á.
Trần Hòa