Bạn mất gì khi vừa ăn vừa nói chuyện?

Trong xã hội hiện đại, bữa ăn là lúc cả nhà sum vầy trò chuyện, gắn kết tình cảm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, việc bạn vừa ăn vừa nói chuyện hoặc quá chú tâm vào câu chuyện và lời nói của người khác trong lúc ăn có thể khiến bạn bị hóc, nghẹn và mất khả năng kiểm soát bữa ăn.

Việc bạn vừa ăn vừa nói chuyện có thể khiến bạn bị hóc, nghẹn và mất khả năng kiểm soát bữa ăn.

Hóc, nghẹn…

TS Mark Stibich, chuyên gia về thay đổi hành vi của Trường Y tế Công cộng, Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) cho rằng, bữa ăn là một sự kiện mang tính kết nối xã hội. Ở bữa ăn bạn có thể trò chuyện với bạn bè và gia đình của mình nhiều hơn, cải thiện mối quan hệ và cảm thấy gắn kết hơn, đồng thời cũng là cách để bạn giải tỏa căng thẳng mệt mỏi trong cuộc sống.

Đồng thời, đây cũng là khoảng thời gian để bạn lắng nghe người thân/bạn bè và thấu hiểu họ hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn quá tập trung vào việc nói hoặc nghe người khác nói khi ăn bởi nó sẽ dẫn đến những hậu quả xấu.

Theo BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế việc bạn nói quá nhiều hoặc quá tập trung vào câu chuyện của người khác trong khi ăn có thể khiến bạn bị hóc hoặc nghẹn thức ăn. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình nhai và giảm các dịch tiết.

Ngoài ra, nó cũng khiến bạn không kiểm soát được lượng thực phẩm đưa vào cơ thể, bạn có thể ăn nhanh hơn, ăn nhiều hoặc ngược lại là ít hơn lượng thức ăn cần thiết mà cơ thể cần.

Thậm chí, việc bạn tập trung nói và lắng nghe còn khiến bạn không cảm nhận được thức ăn. Ăn không chỉ đơn thuần là hoạt động nhai, nuốt mà còn là hoạt động cảm nhận hương vị của thức ăn. Khi bạn không tập trung vào ăn, bạn sẽ mất cơ hội cảm nhận mùi thơm béo ngậy của chiếc đùi gà, vị ngọt của nước hầm xương…

BS Hoàng Xuân Đại: Không chỉ nói chuyện trong lúc ăn, khi ăn bạn cũng không nên xem tivi, sử dụng các thiết bị điện tử thông minh để đọc tin tức, lướt mạng xã hội… Hãy dành thời gian để thưởng thức bữa ăn và món ăn. Bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của các món ăn đặt trên bàn ăn. Bữa ăn cũng như món ăn của bạn nhờ thế sẽ trở nên thú vị hơn.

Vừa ăn vừa lắng nghe cơ thể

BS Hoàng Xuân Đại cho rằng, khi ăn bạn nên dành thời gian để kiểm soát bữa ăn. Khi bạn tập trung vào việc ăn, bạn sẽ kiểm soát được mình nhai gì và nhai như thế nào, bạn sẽ không bị rơi vào việc nhai quá nhanh. Khi bạn tập trung vào việc ăn, bạn cũng sẽ có cơ hội “thưởng thức” món ăn của bạn nhiều hơn việc chỉ đơn giản là “ăn” nó.

Đặc biệt, khi bạn tập trung vào việc ăn, nó cho phép bạn nhận diện được tín hiệu no của cơ thể. Thực tế, “no” là một khái niệm phức tạp kết hợp giữa số lần nhai, thời gian ăn, cảm giác nhìn thức ăn trong bát, cũng như lượng thực phẩm mà bạn ăn vào. Khi bạn tập trung vào việc ăn, bạn sẽ nhận ra được tín hiệu no của cơ thể để dừng lại trước khi bạn nèn chật ních cái dạ dày.

Vì vậy, hãy tập trung vào bữa ăn, hãy ăn thật chậm, nhai thật kỹ để giúp cho thức ăn được nghiền nát hơn, hỗ trợ dạ dày tốt hơn trong quá trình tiêu hóa đồng thời thưởng hương vị của bữa ăn và lắng nghe các tín hiệu của cơ thể để biết được mình đã nạp đủ năng lượng hay chưa.

Đặc biệt, BS Hoàng Xuân Đại cũng nhấn mạnh thêm, tập trung vào việc ăn, không có nghĩa là bạn im lặng hoàn toàn trong bữa ăn. Bạn và các thành viên trong bữa ăn có thể nói chuyện trước hoặc sau bữa ăn và những “khoảng lặng” của bữa ăn bởi bạn không thể cứ ăn hùng hục và liên tục trong suốt bữa ăn.

Đặc biệt, trong bữa ăn khi nói hoặc lắng nghe, bạn hãy dừng việc nhai và nhuốt thức ăn. Ngoài ra, để không ảnh hưởng đến việc ăn uống, bạn chỉ nên nói những câu ngắn với những chủ đề nhỏ, vui vẻ; tránh nói những câu chuyện có xu hướng nặng nề, hoặc những việc quan trọng, quyết định ví dụ như la mắng con cái về một lỗi nào đó như học kém, bàn bạc về việc thay đổi công việc, mua nhà cửa…

Sơn Hà

Theo Đời sống
back to top