Bạn đã vệ sinh đúng cách các đồ dùng trong nhà bếp?

a, thớt, giẻ lau bát, lau bàn, miếng rửa bát… rất dễ trở thành ổ vi khuẩn nếu như các bà nội trợ không biết cách vệ sinh hợp lý.

Khăn, giẻ: Giặt với nước thôi chưa đủ

Ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty dịch vụ vệ sinh Nhà sạch cho biết: các loại khăn, giẻ lau như khăn lau bát, khăn lau bàn, miếng giẻ rửa bát… là các vật dụng được sử dụng khá phổ biến trong các căn bếp.

Tuy nhiên, rất nhiều người mắc sai lầm trong việc sử dụng và vệ sinh các loại khăn lau này; ví dụ, khăn lau xong vứt luôn một chỗ vài ngày mới giặt, miếng giẻ rửa bát khi rửa xong cũng vứt bạ vào chỗ nào đó cạnh bồn rửa đến khi rửa lại vào bữa sau, nước vẫn còn ướt sũng, để vài hôm còn thấy nhớt, dầu mỡ bám…

Các loại khăn nhà bếp thường ít được chú ý vệ sinh

Đây đều là những thói quen rất tai hại, bởi nước, thức ăn thừa dính vào và lưu cữu trên miếng rửa bát, các loại khăn là môi trường lí tưởng để các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Các vi khuẩn phổ biến có thể tìm thấy trong môi trường này như Campylobacter (vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn), Salmonella (vi khuẩn khiến thực phẩm có độc tính), Staphylococcus (tụ cầu khuẩn), E. Coli (vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột) và Listeria (vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm). Việc bạn sờ tay vào chiếc khăn lau bát hay miếng giẻ rửa bát thấy nhớt nhớt đấy là minh chứng cho thấy vi khuẩn, nấm mốc đã làm ổ và phát triển tăng sinh.

Điều đáng lo ngại, khi bạn sử dụng cả ổ vi khuẩn, nấm mốc này để rửa bát, lau bàn, lau bát, bạn cứ đinh ninh là để làm sạch bàn, bát đũa nhưng hóa ra đó lại là cách bạn làm cả ổ vi khuẩn, nấm mốc bám đầy trên bàn ăn, bát đũa.

Để đảm bảo vệ sinh, bạn cần giặt sạch sẽ hàng ngày, và phơi khô các loại khăn lau này. Điều đáng nói, việc giặt với nước thông thường cũng không đủ để loại bỏ các vi khuẩn, nấm mốc đã bám đầy trên các vật dụng này. Vì vậy, bạn cần giặt chúng với xà phòng hoặc nước rửa bát với nước nóng càng tốt, sau đó phơi ra chỗ khô, thoáng.

Một cách làm nữa là sau khi giặt sạch, vắt kiệt bạn có thể để chúng vào lò vi sóng quay trong vòng vài phút sau đó mang ra và hong khô. Đặc biệt, dù dùng xong có giặt sạch ngay cũng nên định kỳ thay sau khoảng 3 – 4 tháng sử dụng với các loại khăn và miếng giẻ rửa bát, thậm chí hãy bỏ chúng trước thời hạn khuyến nghị này nếu chúng có mùi hôi.

Đũa: chú ý ống đựng

Nhiều người không hề nhận ra rằng lâu lắm rồi nhà mình chưa thay đũa ăn… điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn và gia đình bởi đây cũng là những vật dụng rất dễ bị vi khuẩn, nấm mốc tấn công và trú ngụ. Biểu hiện bị nấm mốc, vi khuẩn tấn công là sờ vào đũa ẩm thấy nhờn tay.

Lý do những vật dụng này dễ bị nấm mốc, vi khuẩn tấn công bởi đây là những vật dụng liên quan trực tiếp đến đồ ăn thức uống hàng ngày, khi ngâm rửa với nước lại dễ hút ẩm và nếu không phơi, sấy khô sẽ là môi trường lý tưởng để “nuôi” vi khuẩn và nấm mốc.

Tốt nhất, đũa dùng xong nên rửa ngay, tránh ngâm lưu cữu trong bồn rửa; rửa bằng nước nóng già là tốt nhất, sau đó nên phơi, sấy hoặc ít nhất cũng tãi ra cho khô. Tuổi thọ của đũa là 3 – 6 tháng, hoặc nên thay khi thấy các dấu hiệu như: các vết đen bám trên đũa, đũa chuyển màu…

Đặc biệt, người dân phải rất lưu ý đến ống đựng đũa. Ống đũa phải được vệ sinh và kiểm tra thường xuyên, tuyệt đối không để ống đựng đũa bị đọng nước, tránh tình trạng bám nhớt và mốc đen dưới đáy ống.

Thớt: Đừng tưởng ngâm lâu là tốt

Không phải ai cũng biết cách vệ sinh thớt

Thực tế cho thấy, không phải ai cũng biết cách vệ sinh thớt, đặc biệt là thớt gỗ. Nhiều người cho thớt vào nước ngâm cả tiếng đồng hồ, hoặc sau khi rửa hay cho vào những nơi tối, kín để cất…là rất sai lầm bởi ngâm trong nước lâu vi khuẩn sinh ra từ thức ăn thừa sẽ thâm nhập vào thớt; hay các khu vực kín bí trong nhà bếp cũng làm cho thớt dễ bị vi khuẩn, nấm mốc tấn công.

Hãy bắt đầu vệ sinh thớt đúng cách bằng việc rửa ngay sau khi dùng. Bạn có thể dùng giấm, chanh hoặc muối hạt để rửa thớt, rất sạch và an toàn. Sau khi rửa xong nên tráng dưới vòi nước nóng và hong cho thớt mau khô. Chỗ treo hoặc để giá thớt nên khô thoáng.

Khi sử dụng, nếu thấy đũa, thớt ẩm ướt tốt nhất nên hơ qua trên bếp lửa, nhiệt độ cao sẽ giúp sấy khô đồng thời diệt vi khuẩn, nấm mốc. Ngoài ra cũng nên định kỳ thay sau 3 – 6 tháng tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình, thậm chí không cần đợi đến hạn mà ngay khi thấy thớt có biểu hiện ngả màu đen, có mùi lạ, sờ tay thấy nhớt thì cần thay ngay…

Huy Khánh

Theo Đời sống
back to top