Huyết áp thấp mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc như làm lưu lượng máu lên não giảm gây cảm giác hoa mắt, chóng mặt nhất là khi thay đổi tư thế từ nằm hay ngồi sang đứng dậy đột ngột. Ngoài ra, người bị huyết áp thấp còn thấy mệt mỏi kém tập trung, yếu lạnh chân tay, cơn huyết áp thấp nặng có thể gây choáng ngất. Tai biến mạch máu não còn là nguyên nhân do huyết áp thấp .
Phương huyệt cơ bản chữa huyết áp thấp gồm: Bạch hội, khí hải, quan nguyên, nội quan, thái khê, tam âm giao, nhân trung.
Bách Hội: Có vị trí nằm ở điểm lõm ngay trên đỉnh đầu, là điểm giao của đường nối hai đỉnh vành tai và đường dọc cơ thể. Trong y học cổ truyền phương Đông thì bách hội được dùng để bấm chữa các chứng đau đầu, mất ngủ, thần kinh suy nhược...
Trong dưỡng sinh, người ta ví bách hội như điểm giao nhau của trăm vạn “con sông” kinh mạch trong cơ thể. Cùng với hội âm nó có ý nghĩa lớn trong trạng thái giao hòa giữa cơ thể con người với trời đất.
Khí hải: Có vị trí ở trên đường thẳng nối từ rốn đến bờ trên xương mu, cách rốn 1,5 thốn, là bể của khí. Khí hải có tác dụng điều khí, ích nguyên, bồi thận, bổ hư, hòa vinh huyết, lý kinh đới, ôn hạ tiêu, khử thấp trọc.
Quan nguyên: Huyệt được coi là cửa (quan) của nguyên khí (nguyên) vì vậy gọi là quan nguyên. Huyệt có vị trí thẳng dưới rốn 3 thốn, trên bờ xương mu 2 thốn. Có tác dụng bồi thận, cố bản, bổ khí, hồi dương, ôn điều huyết thất, tinh cung, khử hàn thấp, âm lãnh, phân thanh biệt trọc, điều nguyên tán tà, tăng sức, phòng bệnh.
Nội quan: Có vị trí nằm trên cổ tay 2 thốn, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé. Có tác dụng định tâm, an thần, lý khí, trấn thống, thanh tâm bào. Chủ trị hồi hộp vùng trước tim, đau vùng ngực và hông, sườn đau, dạ dày đau, nôn, nấc, mất ngủ, động kinh, hysteria. Theo y học hiện đại, nội quan là huyệt có tác dụng ổn định huyết áp, thường được dùng trong các bệnh huyết áp cao hoặc thấp.
Thái khê: Là trung điểm giữa đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót, khe giữa gân gót chân ở phía sau. Có tác dụng tư thận âm, tráng dương, thanh nhiệt, kiện gân cốt... Huyệt ở nơi tập trung kinh khí mạnh nhất (thái) của kinh thận, lại nằm ở vị trí ở chỗ lõm giống hình cái suối (khê), vì vậy phải gọi là thái khê. Là một trong số các mạch quyết định sự sống chết: khi mạch thái khê còn đập dù các mạch khác đã mất vẫn còn hy vọng cứu sống.
Tam âm giao: Vì huyệt là nơi hội tụ của ba kinh âm ở chân (can, tỳ, thận) vì vậy gọi là tam âm giao. Có vị trí sát bờ sau - trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên ba thốn. Có tác dụng bổ âm, kiện tỳ, thông khí trệ, hóa thấp, khu phong, điều huyết, sơ can, ích thận.
Nhân trung: Có vị trí tại điểm nối 1/3 trên và 2/3 dưới của rãnh nhân trung, giữa đáy rãnh. Có tác dụng khai khiếu, thanh nhiệt, thanh định thần chí, khu phong tà, tiêu nội nhiệt, lợi vùng lưng và cột sống, điều hòa nghịch khí của âm dương. Thường dùng cấp cứu ngất, hôn mê, trụy tim mạch.
Lưu ý: Cách tác động vào huyệt thường dùng đầu ngón tay cái bấm, day vuông góc với da trên huyện. Mỗi huyệt day bấm 1 - 2 phút. Ngày day bấm 1 - 2 lần. 10 - 15 ngày là một liệu trình điều trị.
Riêng huyệt nhân trung, do diện tích huyệt vị rất bé, nên có thể dùng đầu bút bi, bút chì que tăm để kích thích vào huyệt khi bệnh nhân ngất, hôn mê do huyết áp tụt thấp.
TTƯT.BS Quách Tuấn Vinh
(nguyên Chủ nhiệm Quân y, Tổng cục Chính trị)